Trung Quốc đang ‘đau đầu’ với mạng xã hội

Việc Trung Quốc đóng cửa nhà máy hóa dầu ở Đại Liên sau biểu tình cho thấy người sử dụng mạng xã hội của nước này đang ngày càng khôn ngoan hơn trong việc đối phó với hệ thống kiểm duyệt Internet của chính phủ.

trung quoc mxh Trung Quốc ‘đau đầu’ với mạng xã hội
Một phụ nữ Trung Quốc cảnh sát bị bắt giữ sau khi một số mạng xã hội kêu gọi mọi người tham gia cuộc biểu tình ‘Jasmine Revolution’. (ABC)

Chính quyền thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc đã phải ra lệnh đóng cửa nhà máy hóa dầu tại đây do sức ép từ cuộc biểu tình vào ngày 14/8 của hơn 12 ngàn người yêu cầu di dời nhà máy vì vấn đề ô nhiễm môi trường.

Những cuộc biểu tình bùng phát do lo ngại rằng cơn sóng lớn trong cơn bão Muifa đã phá vỡ con đập bảo vệ nhà máy, dẫn đến nguy cơ rò rỉ hóa chất paraxylene vốn gây cháy và rất độc hại.

Những người biểu tình đã khôn khéo kêu gọi được đông đảo người tham gia thông qua những trang mạng xã hội của Trung Quốc như Weibo mà không bị chặn bởi hệ thống kiểm duyệt của chính phủ.

Mạng xã hội vượt qua ‘Vạn lý Tường lửa’

‘Vạn lý Tường lửa’ của Trung Quốc xuất hiện từ những ngày đầu tiên nước này có dịch vụ Internet và là một hệ thống kiểm duyệt nhiều tầng trong đó cơ chế tự kiểm duyệt đóng vai trò chủ đạo. Các công ty và website phải tự động quản lý thông tin trực tuyến của mình nếu muốn có được giấy phép hoạt động tại nước này.

Chính mạng xã hội Weibo (tương tự với Twitter) là một minh chứng rõ ràng nhất. Ngoài các phần mềm và hệ thống kiểm duyệt, Weibo còn có một bộ phận gồm các nhân viên chuyên tìm kiếm và loại bỏ những thông tin nhạy cảm được truyền đi.

Những người biểu tình tại Đại Liên đã khéo léo vượt qua công tác kiểm duyệt bằng cách đưa thông tin về cuộc biểu tình qua ảnh ngay từ sớm và truyền hình ảnh về cuộc biểu tình lên mạng xã hội. Việc kiểm duyệt hình ảnh khó hơn rất nhiều, nhất là khi chúng không có chú thích, tiêu đề hay thông tin kèm theo.

Ảnh hưởng xã hội

Bình luận về sự kiện này với phóng viên của Đài Úc, Giáo sư Stephanie Hemlryk Donald -Trưởng khoa Truyền thông, Đại học RMIT Melbourne, cho biết: “Mạng xã hội Weibo đã bị ngừng hoạt động và tất cả các thông tin liên quan đến Đại Liên đều bị chặn ngay trưa ngày Chủ Nhật, 14/08. Mặc dù công tác kiểm duyệt đã được thực hiện ngay nhưng tại thời điểm đó, tin tức đã được phát tán ra ngoài và điều này hết sức quan trọng”.

Bà cũng cho biết thêm mặc dù chính phủ đã nhanh chóng chặn các thông tin sau đó nhưng người sử dụng chuyển đổi sang các phương tiện truyền tin khác nhau rất nhanh.

Theo bà, chắc chắn chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng những biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ hơn sau sự việc trên nhưng đó không phải là vấn đề đáng lưu tâm. Thực tế là tại Trung Quốc đang có một cuộc cách mạng nhỏ của tầng lớp trung lưu về vấn đề môi trường và nó sẽ còn được tiếp diễn.

Tác động đối với chính phủ

Ông Jeremt Goldkorn, Tổng biên tập của trang Danwei.org, khẳng định thông tin trên các mạng xã hội đang thay đổi cách thức chính phủ Trung Quốc quản lý thông tin. Tiêu biểu là trên báo chí và các trang thông tin chính thống của Trung Quốc hiện có hai luồng quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Một số bài báo được viết ra với thông điệp cho rằng thông tin trên mạng xã hội có ảnh hưởng tích cực vì nó kéo người dân tới gần chính phủ hơn cũng như cung cấp thông tin cho chính phủ, giúp quản chế được tình hình diễn ra tại các địa phương. Mặt khác, cũng có những bài viết mang tính bảo thủ hơn cho rằng mạng xã hội cần được kiểm duyệt chặt chẽ vì đây là mầm mống gây rối loạn xã hội Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Goldkorn, gần đây một chiến dịch trên kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc tập trung về các tin đồn trên Internet, đặc biệt là các thông tin trên mạng xã hội như Weibo, hiện đang gây nên những ảnh hưởng tiêu cực về mặt văn hóa – xã hội đối với đất nước này.

Giới quan sát cho rằng điều này báo hiệu sẽ có một cuộc tấn công mạnh mẽ vào các mạng xã hội dạng Microblog (tạm dịch: blog siêu ngắn) như Twitter trong những tháng sắp tới tại Trung Quốc.

nguồn Bay Vút

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm