Mạng B2B toàn cầu vào Việt Nam- Kết nối và cạnh tranh thông tin

Quy mô xuất khẩu ngày càng lớn, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và máy móc thiết bị cũng tăng theo, kéo theo sự quan tâm của nhiều mạng trực tuyến B2B (business to business) đến thị trường Việt Nam.

Mạng B2B toàn cầu vào Việt Nam Kết nối và cạnh tranh thông tin

Ông Phạm Cử, phó tổng giám đốc công ty vật liệu điện và viễn thông Sam Cường, cho biết sau khi gửi danh sách các thiết bị cần mua lên mạng chuyên ngành về công nghiệp chế tạo MFG (www.mfg.com), vài giờ sau ông nhận được danh sách báo giá chi tiết MFG tổng hợp từ nhiều nhà cung ứng thuộc mạng lưới của họ. Là doanh nghiệp nhỏ với khoảng 70 lao động, nhu cầu nhập khẩu hàng năm vài trăm tỉ đồng, việc tăng giá đầu ra hiện khó khăn nên doanh nghiệp ông tìm cách giảm chi phí đầu vào và chủ động tiếp cận với MFG.

DB sở hữu nguồn dữ liệu lớn nhất thế giới, vừa mở loạt chương trình tiếp cận doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Kết nối để giảm chi phí

Cũng như doanh nghiệp của ông Cử, khá nhiều doanh nghiệp nhỏ biết cách khai thác điểm mạnh của các mạng cung ứng B2B toàn cầu. Theo ông Cử, lâu nay doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập hàng Trung Quốc, thị trường lớn nhưng không dễ chọn đúng nhà cung cấp. Nếu như nhiều doanh nghiệp nhỏ Việt Nam có cùng nhu cầu đưa ra đơn hàng thì có thể họ sẽ tìm được mức giá tốt hơn. Ông Cử cho biết các mạng cung ứng từ Trung Quốc cũng tiếp cận liên tục nhưng ông nhắm MFG bởi mạng này với hơn 200.000 nhà bán hàng có giao dịch bình quân hàng ngày trên 100 triệu USD, 80% doanh nghiệp hàng đầu thế giới có lịch sử tìm nhà cung ứng tại đây, thông tin nhanh, chi phí cạnh tranh và đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

Các sàn B2B hàng đầu thế giới bắt đầu nhắm tới thị trường Việt Nam và kết nối doanh nghiệp vào mạng lưới của họ. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc MFG Vietnam, quy mô xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhanh, tạo ra thị trường nhập khẩu lớn về nguyên liệu và công nghệ phục vụ sản xuất. Ông Hùng nói: “Chắc chắn họ gặp bài toán chi phí và chất lượng, kế hoạch của MFG là tập hợp khoảng 100 doanh nghiệp ngành cơ khí Việt Nam để kết nối với mạng lưới toàn cầu, cộng đồng càng lớn thì chi phí mua hàng càng thấp và MFG cam kết hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ”.

Một tập đoàn khác cũng của Mỹ, Dun Bradstreet (DB) sở hữu nguồn dữ liệu lớn nhất thế giới với hơn 207 triệu hồ sơ doanh nghiệp từ 200 quốc gia, thời gian qua đã mở loạt chương trình tiếp cận doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam theo ngành nghề như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử... DB còn kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ giao nhận và tài chính như FedEx, Vietinbank để thu hút doanh nghiệp vào mạng lưới của mình.

Cạnh tranh thông tin

Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, tổng giám đốc DB Vietnam, với cơ sở dữ liệu rộng lớn như vậy, DB tích hợp các giải pháp riêng biệt để thu hút doanh nghiệp theo chuyên ngành bằng các giải pháp cung cấp tín dụng, đánh giá rủi ro kinh doanh giữa công ty với nhà cung cấp; đánh giá và giám sát uy tín của nhà cung cấp... Chẳng hạn, trong xu hướng doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam thì công cụ tìm kiếm www.hoovers.com của DB cung cấp dữ liệu hơn ba triệu doanh nghiệp Nhật và chi tiết của hơn 32.000 công ty điện tử và thiết bị Nhật. Không chỉ DB hay MFG mà Alibaba từ Trung Quốc cũng đang hoạt động mạnh, khai thác lợi thế dựa trên quan hệ làm ăn khá lâu giữa doanh nghiệp Việt Nam với khách hàng Trung Quốc và nhu cầu nhập hàng giá rẻ khá cao.

Theo ông Mitch Free, chủ tịch MFG.com, nhu cầu lớn nhất của doanh nghiệp là tìm kiếm thông tin và kết nối nhu cầu để giải quyết bài toán chi phí. Hiện Việt Nam đang phát triển các nhà cung ứng có chất lượng, họ sẽ trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các công ty vừa và nhỏ sẽ phát triển nhanh hơn qua hệ thống kết nối này. Ông Free nói: “Các nhà mua hàng bắt đầu tìm kiếm giải pháp vào thị trường Việt Nam, việc kết nối các nhà cung ứng tại Việt Nam với mạng lưới MFG toàn cầu là bước đi chiến lược của MFG để tạo ra các cơ hội kinh doanh cho khách hàng của mình”.

Theo ông Trần Hữu Linh, cục trưởng cục Thương mại điện tử (bộ Công thương) việc tìm kiếm khách hàng từ các mạng chuyên biệt có hiệu quả cao, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những mô hình đặc thù phát triển thì doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường chuyên sâu hơn, nhất là khi các công cụ xúc tiến thương mại truyền thống tỏ ra thiếu hiệu quả và chi phí cao. Tuy nhiên, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến hay các mạng B2B cung cấp thông tin khá rõ về khách hàng nước ngoài, nhu cầu giao dịch nhưng lại không dễ tìm thông tin doanh nghiệp Việt Nam. Các tổ chức kết nối tập hợp và tìm kiếm rất khó khăn vì doanh nghiệp thường thường cung cấp sơ sài.

Việt Nam cũng từng có nhiều sàn giao dịch B2B nhưng đến nay hầu hết đã đóng cửa. Theo ông Nguyễn Hoà Bình, tổng giám đốc Peacesoft, những mô hình B2B trong nước thất bại và nhường chỗ cho các mạng B2B nước ngoài bởi người bán trong nước chưa cạnh tranh được. Các mạng B2B trong nước khó tìm kiếm đối tác cho doanh nghiệp xuất khẩu, việc tìm hàng xuất khẩu từ gốc cũng khó, trong khi khả năng thu hút doanh nghiệp toàn cầu còn hạn chế.

Theo Sài Gòn tiếp thị

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm