EVN Telecom: “Gái già” nhưng đắt giá

EVN Telecom đang trở thành một chủ đề nóng trong làng viễn thông di động khi đơn vị này đang giữ chìa khoá của canh bạc cạnh tranh trên thị trường.


EVN Telecom - nhà mạng gây sốt thị trường viễn thông.

EVN Telecom có gì hot?

Khi đặt ra câu hỏi, mua EVN Telecom, các đối tác được gì, câu trả lời thật khó rõ nghĩa bởi dường như các đại gia đang nhăm nhe thâu tóm nhà mạng này đều trả lời một cách chung chung và vòng vo.

Về phía Viettel, bên cạnh việc một mực khẳng định sẽ giữ trọn EVN Telecom thì khi trao đổi về việc liệu rằng có phải mục đích mua cũng nằm ở chỗ đơn vị này đang giữ hạ tầng các cột điện trên toàn quốc khá lớn, giúp cho việc treo cáp, triển khai mạng lưới các dịch vụ hạ tầng được thuận tiện hơn cũng như "nắm thóp" VNPT vốn cũng đang cùng sử dụng hạ tầng cột này, một đại diện giấu tên của Viettel cho biết: "Về bản chất Viettel đang thực hiện chủ trương ngầm hoá các tuyến cáp cũng như triển khai các dịch vụ băng rộng không dây. Hơn nữa các tuyến cột điện treo cáp hiện đang chịu sự quản lý của Tập đoàn mẹ EVN chứ không thuộc về EVN Telecom".

Nếu "ôm" EVN Telecom, Viettel sẽ phải ôm trọn cả mạng 2G băng tần CDMA 450 MHz vốn không thể đồng bộ với hạ tầng sẵn có của nhà mạng này. Ngoài ra, số lượng thuê bao trên băng tần này hiện nay cũng ngày một thụt lùi bởi đa số sử dụng mạng cố định không dây E-Com theo diện chính sách vừa mua vừa tặng cho doanh nghiệp từ cách đây hơn 4 năm.

Có thể Viettel sẽ triển khai trên hạ tầng này bằng cách cho các nhà mạng di động ảo thuê lại với các gói cước và dịch vụ dành riêng cho từng khu vực nhất định. Như vậy chi phí mua lại sẽ được bù trừ với doanh thu từ việc cho thuê lại hạ tầng này.


Quay lại thời điểm cách đây 7 tháng, khi tân Tổng Giám đốc FPT Trương Đình Anh đột ngột "bỏ của chạy lấy người" khi chấp nhận để lại khoản đặt cọc gần 800 tỷ và hủy thương vụ mua bán EVN Telecom về FPT. Đơn vị này chỉ cho biết rằng, do không đạt được thỏa thuận về quyền sở hữu đối với công ty này nên đã chấm dứt thương vụ. Tuy nhiên, theo nhiều thông tin trong ngành cho biết, trong các cuộc họp đàm phán giữa 2 bên, EVN Telecom khá "khôn" khi tỷ lệ 51-49% trong thương vụ được quy đổi thành các giá trị về hạ tầng.

Hạ tầng CDMA 450MHz của EVN Telecom thích hợp cho thuê làm mạng di động ảo.

Theo đó, FPT sẽ chỉ được quyền sở hữu các thuê bao, đầu số, trạm phát và hệ thống quản lý của EVN Telecom trong khi những cái quan trọng hơn như hạ tầng cột, tuyến cáp Liên Á, các trung tâm kinh doanh thì vẫn thuộc sở hữu và chịu sự quản lý của nhà mạng điện lực hay nói đúng hơn là EVN.

Về phía Hanoi Telecom - Vietnamobile, nhà mạng này vẫn khẳng định sẽ bằng mọi giá mua lại toàn bộ EVN Telecom. Đứng ở góc độ chuyên gia, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng việc đưa EVN Telecom về Hanoi Telecom là hợp lý nhất trong bối cảnh hiện nay với sự bành trướng và độc quyền của "tam đại gia" vốn đang chiếm thị phần khống chế.

Theo nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Bộ cũng chưa nhận được văn bản chỉ đạo nào từ Chính phủ về chủ trương giao EVN Telecom về Viettel như nhà mạng này "cầm đèn chạy trước ôtô" bằng Nghị quyết 413.

Cạnh tranh đi vào ngõ cụt

6 năm trở lại đây, Viettel là nhà mạng được đánh giá cao trong việc phát triển thuê bao cũng như mở rộng dịch vụ và hạ tầng. Sự lớn mạnh của Viettel đã có lúc làm chao đảo cả VNPT với 2 mạng di động MobiFone và VinaPhone.

Hiện tại, trước những thông tin dồn dập về việc Viettel thâu tóm EVN Telecom, VNPT hầu như chưa có động thái hay phản ứng gì, phải chăng đơn vị này đang có những toan tính của riêng mình?

Nếu đúng là có chuyện Viettel được Chính phủ giao nhiệm vụ cơ cấu và hợp nhất với EVN Telecom, kịch bản cạnh tranh sẽ xảy ra nhiều chuyển biến khó lường trong cục diện chung vốn đang tương đối hoàn hảo hiện nay.

Sẽ ra sao nếu S-Fone cũng sáp nhập, Vietnamobile không thể kinh doanh 3G và 2 "tướng" của VNPT hợp lại cũng không bằng một nửa Viettel, còn Beeline thì "tướng" mới vẫn đang loay hoay, chật vật trong chính sách kinh doanh?

Câu trả lời thật không khó đoán về một sự độc quyền nhãn tiền của nhà mạng quân đội. Vậy lúc đó ai sẽ là người chịu ảnh hưởng chính? Có lẽ trước tiên sẽ là người tiêu dùng bởi trong viễn cảnh giá cước chạm ngưỡng sàn như hiện nay, việc tăng cước bằng các hình thức tính tiền kiểu mới của nhà mạng sẽ là một tương lai không xa.

Từ đó, tạo nên một thị trường viễn thông thiếu tính lành mạnh và cân bằng, tạo tiền đề cho những ẩn hoạ khôn lường sau này. Viễn thông Việt Nam đã đi từ hình thức kinh doanh độc quyền sang xoá bỏ, vậy thì chẳng có lý do gì mà lại tạo điều kiện cho nó quay về con đường cũ.

Rõ ràng, việc tiếp nhận EVN Telecom cần một lộ trình rõ ràng và cụ thể hơn thay vì tình cảnh "manh động" như thời gian vừa qua giữa các nhà mạng có chung một tầm nhìn và nguồn lợi từ thương vụ này.

Theo VNN

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm