7 "bài học xương máu" cho các ông lớn trong ngành game

Dưới đây là 7 “bài học xương máu” mà các ông lớn trong ngành game phải nhớ mãi.

Ngành công nghiệp game trên toàn thế giới từ lâu đã được thừa nhận như một mũi nhọn trong toàn bộ lĩnh vực giải trí nói chung. Khả năng sinh lời của các tựa game "bom tấn" cũng có thể mang đến những con số khổng lồ không hề thua kém so với các bộ phim Hollywood.

Khác với Game Online ngày nay khi mà các Nhà phát hành thường có thể thu lời rất lớn từ các chi phí quảng cáo hay từ các món đồ item in-game, thị trường Video Games vẫn duy trì được truyền thống như từ thời điểm sơ khai cách đây hơn 30 năm khi mà những tựa game này vẫn được đầu tư chi phí ban đầu lớn còn các nhà sản xuất sẽ kiếm tiền từ chi phí bán đĩa.

Có một thông tin sẽ làm không ít game thủ phải giật mình, chi phí để làm ra một video games đình đám có thể lên tới... hàng trăm triệu USD, tức là không hề thua kém so với các "bom tấn" Hollywood.

Chi phí lớn như vậy nhưng hiệu quả ra sao luôn là một vấn đề phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có nhiều trường hợp mà nhà sản xuất bỏ ra hàng chục triệu USD nhưng số tiền thu lại được lại không thấm là bao.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gửi đến độc giả 7 tựa game có mức chi phí đầu tư rất cao nhưng mang đến cho nhà sản xuất những khoản lỗ khổng lồ. Một điều lưu ý là những "bom tấn" như GTA 4 hay COD: Modern Warfare 2... không có trong danh sách này bởi chúng có thể tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu nhưng cũng mang đến những khoản lãi không hề nhỏ.

1) Enter the Matrix – 2003

Chi phí ước tính: $20,000,000

Ăn theo loạt phim "bom tấn" ba phần Matrix, tựa game Enter the Matrix cũng được phát hành vào năm 2003, cùng thời điểm ra mắt Matrix: Revolution - phần cuối của loạt phim ma trận.

Tuy nhiên, ngược hẳn với thành công của bộ phim, Enter the Matrix được coi như một phiên bản ăn theo ở ngưỡng "thảm họa". Mặc dù được phát hành trên các hệ máy console thông dụng nhất bây giờ như GameCube, PlayStation 2, Xbox nhưng hầu như doanh thu chả thấm vào đâu so với số tiền đầu tư.

2) Beyond: Two Souls – 2013

Beyond: Two Souls
Beyond: Two Souls

Chi phí ước tính: $27,000,000

Chi ra 27 triệu USD để làm một tựa game độc quyền trên PlayStation 3 có lẽ không phải là một ý tưởng khôn ngoan lắm của NSX Quantic Dreams. Một nữ anh hùng mới toanh xuất hiện vào thời điểm làng game đã có nhiều thay đổi theo hướng online hóa ẩn chứa nhiều rủi ro hơn là dự kiến.

Tuy nhiên điểm mấu chốt cho thất bại của Beyond: Two Souls nằm ở việc nhà sản xuất đã phải chi phí quá cao cho cát-xê của diễn viên Ellen Page để sử dụng hình ảnh của cô để mô phỏng lại nhân vật chính.

Ngoài ra, có lẽ do cộng đồng game thủ vẫn chưa hào hứng lắm cho việc đón nhận một nữ anh hùng "mới toanh" như vậy. Thế mới thấy, đôi khi những "lão bà bà" kiểu Lara Croft lại còn lợi hại hơn thế hệ trẻ trung, "gừng càng già càng cay" mà.

3) L.A. Noire – 2011

L.A: Noire
L.A: Noire

Chi phí ước tính: $50,000,000


Tựa game "bom tấn" được coi sẽ là một MAFIA thứ hai trong làng game này hóa ra lại có cái kết thúc tệ hơn rất nhiều so với dự đoán.

Nội dung hay, nhiều pha đua xe, đấu súng kịch tính cùng bối cảnh mô phòng lại cuộc sống của giới tội phạm tại bang California những năm 40 của thế kỷ trước, nhưng cho đến giờ "ông lớn" lừng danh Rockstar có lẽ vẫn không hiểu tại sao tựa L.A: Noire lại thất bại thảm hại đến vậy.

"Anh em cùng cha khác mẹ" với Grand Theft Auto IV nhưng trong khi một bên thì "thăng hoa", bên còn lại thì "mất tích" hoàn toàn trong làng game và mang đến cho Rockstar một khoản lỗ khổng lồ. Có lẽ "vết thương lòng" quá lớn nên 3 năm đã qua mà NPH này vẫn chưa cho ra đời thêm một dòng game nào mới cả.

4) APB: All Points Bulletin – 2010

Chi phí ước tính: $50,000,000

Cùng chung mức chi phí đầu tư là 50 triệu USD nhưng do được làm bởi một studio thuộc dạng "boy nhà nghèo" như Realtime Worlds nên "anh chàng" All Points Bulletin (APB) được ưu ái xếp trên trong danh sách này vậy.

Được coi là một tựa game hành động cách tân với tuyên ngôn sẽ là Grand Theft Auto Online, APB cũng có rất nhiều yếu tố đột phá về gameplay cũng như cách chơi. Có lẽ câu trả lời duy nhất cho thất bại của hãng phải chăng nằm ở... "duyên số" chưa tới mà thôi.

5) Too Human – 2008

Chi phí ước tính: $60,000,000

Ném 60 "củ" (triệu USD) cho một tựa game độc quyền trên Xbox 360 vào thời điểm kinh tế thế giới bắt đầu suy thoái (năm 2008). Làm được điều này không phải "anh lớn" Microsoft thì có lẽ cũng chẳng có mấy người.

Nằm trong lộ trình xây dựng những tựa game độc quyền đẳng cấp trên Xbox 360 nhưng khác với Halo, Gears of War.... thì Too Human là một thất bại thảm hại của hãng.

Thất bại của tựa game này cũng không quá đau đớn với "nhà giàu" như Microsoft, có chăng nó cũng chỉ là một kinh nghiệm cho thấy rằng "cha giàu" và "đẻ nhiều" nhưng con cái thì không phải "đứa nào" cũng thành công.

6) Crysis 3 – 2013

Crysis 3
Crysis 3

Chi phí ước tính: $66,000,000

Xếp thứ hai trong danh sách rất đáng "xấu hổ" này là Crysis 3 - một trong những tựa game bắn súng FPS thuộc hàng kinh điển của làng game với lượng người chơi cực lớn cùng những review với điểm số cao ngất ngưởng.

Bề nổi là vậy nhưng ông bà ta vẫn có câu "sống trong chăn mới biết có rận". Được sản xuất bởi Crytek và được phát hành bởi "ông lớn" Electronic Arts, có lẽ "bộ sậu" đứng sau sản phẩm này đề ra mức tiêu thụ kỳ vọng lớn hơn so với những gì đã diễn ra.

Cũng không hẳn là một thất bại nhưng khi người ta đặt quá nhiều kỳ vọng mà những gì đạt được chỉ là một góc nhỏ so với mục tiêu đề ra, đó hoàn toàn có thể coi là sự thất vọng, nhất là tựa game đó lại được chú ý quá nhiều.

7) Disney Infinity – 2013

 Disney Infinity
Disney Infinity

Chi phí ước tính: $100,000,000

Một "ông lớn" vĩ đại trong lĩnh vực phim hoạt hình, là cái tên bất diệt mà không một trẻ nhỏ nào có thể không biết, Disney được tôn trọng và là tượng đài trong lĩnh vực chính của mình.
Tuy nhiên, đem tiền đi đầu tư ngoài ngành có vẻ không phải sở trường của họ và "nỗi đau" mang tên Disney Infinity sẽ khiến "ông lớn" này nhớ mãi.

Đem 100 triệu USD (khoảng 2,200 tỷ VNĐ) ra đặt vào một canh bạc mang tên Disney Infinity không phải là một quyết định sáng suốt lắm. Tựa game này mang hết tất cả các nhân vật mà Disney từng sở hữu như Mickey, Donald, thuyền trưởng Jack Sparrow, The Incredibles.... "lên sàn" cho chặt chém nhau thoải mái.

Ý tưởng thì rất hay nhưng khi tất cả các siêu anh hùng xuất hiện như một... "mớ hổ độn" thì game thủ cũng không được hào hứng đón nhận cho lắm.

Hai kinh nghiệm cho Disney sau bài học này. Một là nên tiêu tiền một cách cẩn thận hơn. Còn hai là "cái gì đa thì thường không tinh", có kết hợp thì cũng đừng... bừa bãi quá.

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Tin xem nhiều
 
Download nhiều nhất