Trung Quốc: Kỹ thuật lập trình tế bào gốc giúp tấn công và tiêu diệt ung thư

Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Cell Research, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố họ đã có một bước tiến lớn khi lập trình lại được các tế bào gốc, giúp chúng săn tìm và tiêu diệt tế bào ung thư.

Giáo sư Wang Jinyong và các cộng sự đến từ Viện Y sinh và Sức khỏe Quảng Châu nói rằng kỹ thuật này đã được họ thử nghiệm thành công trên động vật nhỏ. Cụ thể, họ đã điều trị cho những con chuột bị ung thư tuyến ức, một cơ quan trung tâm của hệ thống miễn dịch cơ thể.

Theo kết quả nghiên cứu, nhóm đã sử dụng tế bào gốc để tạo ra các tế bào miễn dịch sau này sẽ phát triển thành tế bào T. Các tế bào này vốn được sinh ra trong tuyến ức và đóng vai trò trung tâm trong phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Sau khi những con chuột ung thư được truyền các tế bào mới này vào cơ thể, khối u của chúng biến mất. Và bởi vì các tế bào T có khả năng ghi nhớ mầm bệnh, những con chuột được cho là sẽ miễn dịch với loại ung thư này đến suốt đời.

Các nhà khoa học Trung Quốc lập trình lại được tế bào gốc để tấn công ung thư

Trong tuyên bố trên trang web của Viện Y sinh và Sức khỏe Quảng Châu, nhóm nghiên cứu của giáo sư Jinyong cho biết liệu pháp miễn dịch của họ có thể dẫn đến một bước đột phá trong điều trị ung thư.

Trên thực tế, các liệu pháp miễn dịch đang ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc chiến của chúng ta chống lại ung thư.

Trong khi việc sử dụng tế bào T để chống lại tế bào ung thư không hề mới, chúng thường chỉ được chiết xuất từ ​​máu người chứ không phải được tạo ra từ tế bào gốc. Ngoài ra, chi phí cho quá trình chiết xuất này cũng rất cao, lên đến hàng ngàn USD ngay cả khi nó được thực hiện ở Trung Quốc.

Một khi các tế bào miễn dịch được chiết xuất, chúng phải được lập trình, hay chỉnh sửa gen, để nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư, và đây vẫn là một thách thức kỹ thuật. Thêm nữa, một số bệnh nhân đơn giản là không thể tạo ra đủ các tế bào miễn dịch vì sức khỏe của họ đã rất kém ở thời điểm điều trị.

Một hướng điều trị với tế bào T chiết xuất từ ​​máu người chứ không phải được tạo ra từ tế bào gốc.

Do đó, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã cố gắng theo đuổi một hướng khác: tạo ra các tế bào T từ tế bào gốc. Tế bào gốc được coi như một tế bào trắng, và có thể được lập trình để trở thành bất kỳ một loại tế bào nào khác trong cơ thể.

Thay vì cố gắng tạo ra các tế bào T trưởng thành, nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã lập trình các tế bào gốc trở thành các tế bào tiền thân của chúng, các tế bào sẽ phát triển thành tế bào T sau một thời gian.

Công nghệ "có thể tái tạo thành công một hệ thống miễn dịch tế bào T hoàn chỉnh chứa các nhóm tế bào T có khả năng thực hiện nhiều chức năng khác nhau", báo cáo cho biết.

Điều đó có nghĩa là nhóm nghiên cứu đã có "một nguồn tế bào T vô tận... để tạo thành một đội quân lớn với khả năng miễn dịch được tái tạo để bảo vệ cơ thể".

Nhận định về nghiên cứu mới, giáo sư Wang Shengdian làm việc tại Viện Vật lý sinh học ở Bắc Kinh cho biết: Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã đạt được một số bước đột phá đáng kể trong cuộc chiến chống ung thư.

Chẳng hạn, với sự trợ giúp của liệu pháp miễn dịch, những bệnh nhân mắc một số dạng ung thư máu hiện đã có 90% cơ hội đánh bại căn bệnh của họ, giáo sư Shengdian nói.

Các nhà khoa học Trung Quốc tin rằng họ đã có một nguồn tế bào T vô tận để chiến đấu với ung thư.

Trong khi nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Wang Jinyong, đã không thành công trong việc tạo ra một tế bào T hoàn chỉnh, họ đã tiến được một bước quan trọng đến với mục tiêu đó. Giáo sư Shengdian cho biết điều quan trọng cần làm bây giờ là tìm ra cách tạo ra được các tế bào T đặc trưng có thể tấn công từng loại ung thư khác nhau.

"Thử thách lớn nhất là tìm ra mục tiêu chính xác cho tế bào T, nếu không chúng chỉ bay xung quanh như những quả tên lửa không được dẫn đường hành trình", ông ấy nói.

Nguồn: Tham khảo

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm