Những chiêu lừa đội lốt sàn giao dịch thương mại

17/07/2012

Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công thương) vừa có khuyến cáo người dân về việc một số DN lợi dụng thương mại điện tử để huy động lượng tiền mặt lớn từ mạng lưới người tham gia thông qua việc mở gian hàng online.

Thời gian qua, dư luận xôn xao về một số trang web thương mại điện tử như muaban24…, shop360… bán hàng đa cấp núp bóng danh nghĩa sàn thương mại điện tử, rất nhiều người vì quá ham lợi nhuận đã đổ tiền vào đây. Cách thức hoạt động điển hình của những DN dạng này là thiết lập một website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, trên đó cho phép những thành viên đã nộp tiền được mở một gian hàng ảo để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Những chiêu lừa đội lốt sàn giao dịch thương mại

Sau khi đóng một khoản phí ban đầu thì bên cạnh việc được mở gian hàng ảo trên website, mỗi thành viên được thêm quyền lợi là giới thiệu những người khác tham gia mua gian hàng ảo và hưởng hoa hồng vài chục phần trăm cho mỗi hợp đồng mà mình giới thiệu, nhờ tổng số tiền hoa hồng một người có thể được hưởng lên đến vài trăm triệu đồng.

Do mức hoa hồng hấp dẫn và cơ chế phân chia hoa hồng đa cấp, phần lớn những người nộp phí mua gian hàng ảo trên website đều hướng tới mục tiêu thu lợi nhuận từ hoạt động giới thiệu, lôi kéo người khác tham gia thay vì tiến hành kinh doanh trên những gian hàng này. Kết quả là đa số gian hàng trên các website dạng này đều là gian hàng trống, không có thông tin gì về chủ gian hàng cũng như sản phẩm cần bán.

Cục cũng nhận được phản ánh của một số cá nhân về việc các DN nói trên khi tiếp xúc với khách hàng đã đưa thông tin sai sự thật, nói rằng DN được Bộ Công thương bảo trợ, qua đó tạo niềm tin cho khách hàng khi nộp tiền tham gia mạng lưới kinh doanh. Bộ Công thương và các đơn vị thuộc Bộ không bảo trợ hay đảm bảo uy tín cho bất kỳ DN kinh doanh thương mại điện tử nào đang hoạt động trên thị trường. Nổi cộm nhất là vụ việc vừa vỡ lở ở tỉnh Bình Dương, nhiều nạn nhân đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Cty Đ.H.P, mời gọi nhiều người đóng phí mở gian hàng ảo trên mạng với điều kiện hấp dẫn, nhưng không thể rút lại tiền khi ngừng tham gia.

Điều kiện để trở thành "nhân viên" cho Cty là phải đóng 2,8 triệu đồng. Cty giải thích đó là phí để trở thành hội viên, đồng thời được mở gian hàng trên mạng. Sau khi đóng 2,8 triệu đồng sẽ được Cty quy đổi cứ 10.000 đồng được 1 triệu tiền điện tử, người mới gia nhập sẽ có 280 triệu và được lập một gian hàng trên mạng. Nếu nhân viên phát triển thêm hội viên sẽ được trích lại hoa hồng 600.000 đồng, còn giới thiệu người mở trang web với chi phí 6 triệu đồng thì được hưởng 1,5 triệu đồng. Trong trường hợp nhân viên ngừng làm việc muốn rút tiền lại, Cty thì chỉ tốn 100.000 đồng tiền làm thẻ.

Ngoài ra, Cty còn đưa ra nhiều chính sách khuyến khích tương tự việc bán hàng đa cấp như phân loại nhân viên theo thứ bậc từ VIP 1 đến VIP 8 với nhiều ưu đãi; cấp thẻ đa năng, giảm giá khi mua hàng, du lịch miễn phí… Khi trở thành nhân viên, người đó chỉ có mỗi việc đi mời gọi những người khác tham gia mở sàn để hưởng hoa hồng, mà không có bất kỳ giao dịch mua bán nào khác. Tuy nhiên khi muốn dừng tham gia thì các nhân viên không thể rút lại tiền, cứ thế hàng trăm người (hầu hết là công nhân) có nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng.

Tại Hà Nội, nhiều người đóng 5,2 triệu đồng để gia nhập một Cty mua bán online ở Hà Nội với lời hứa hẹn kinh doanh trên đó rất dễ dàng, lượng người truy cập lớn nên khách hàng phong phú. Với mỗi người cùng tham gia, người đóng tiền được hưởng 1,5 triệu tiền hoa hồng, và sẽ tăng thêm 200.000 đồng nếu mời được một cặp. Nhưng có tham gia vào mới biết sản phẩm không bán được vì lượng khách ít. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề với người quản lý website để lấy lại tiền và trả gian hàng thì bị từ chối với lí do đơn phương phá hợp đồng.

Đại diện một trang web thương mại điện tử có uy tín tiết lộ, một website muốn nhiều người biết đến cần bỏ nhiều tiền quảng cáo, marketing, thậm chí mở sẵn giao dịch, kinh doanh trên đó. Chính vì thế càng "câu kéo" được thêm nhiều thành viên thì càng có nhiều tiền họ đóng để làm vốn. Cách làm đó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hầu hết chủ website không ràng buộc và quan tâm thành viên kinh doanh gì trên đó.

Người tham gia cũng không chú trọng đến bán hàng online mà chỉ mải lôi kéo người khác nhằm hưởng chênh lệch. Như vậy, vô hình chung, hai bên có thể làm tổn hại hình ảnh, uy tín của nhau. Đa phần các thành viên gia nhập mô hình này đều ở thế "cưỡi lên lưng hổ" nên phải cố mà theo. Nhưng nguy hiểm nhất, khách của những gian hàng online đó khi gặp rủi ro sẽ không được cơ quan, Cty nào đứng ra bảo vệ.

Theo PLXH

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm