Hành trình gian nan của chữ ký số

05/12/2011

Việc ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước đã không còn là điều lạ lẫm. Tuy nhiên, để chữ ký số trở nên phổ biến hơn, theo đề xuất từ phía nhà ứng dụng thì công tác quản lý cần có nhiều thay đổi. Việc thực hiện được những thay đổi này cũng là một vấn đề nan giải đối với các ngành chức năng.

Theo các quy định hiện hành, Việt Nam mới chỉ chấp nhận các loại chữ ký số do các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trong nước (được cấp giấy phép) cung cấp và một trường hợp ngoại lệ sử dụng chữ ký số nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp đề xuất Việt Nam cần có phương án để chấp nhận nhiều loại chữ ký số nước ngoài khác để tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như cho hoạt động giao thương quốc tế.

Chữ ký nội, chữ ký ngoại

Tính đến nay đã có sáu doanh nghiệp được cấp giấy phép về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trong nước là Bkav, FPT, VNPT, Viettel, Nacencomm và CK. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam hiện nay đều sử dụng một loại chữ ký số duy nhất của nhà cung cấp quốc tế trong các giao dịch điện tử để thống nhất trong khâu tổ chức, điều hành trên toàn cầu.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử - Bộ Công Thương, khuyến nghị rằng các ngành chức năng nên cấp giấy phép cho các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số nước ngoài. Một trong những lý do ông Linh viện dẫn là các nhà cung cấp dịch vụ trong nước chưa thể cung cấp dịch vụ chữ ký số codesigning (chứng thực phần mềm) hay SSL (sử dụng cho việc chứng thực trang web) như các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, nếu thị trường thiếu vắng các nhà cung cấp nước ngoài thì khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ kể trên, các doanh nghiệp khách hàng sẽ gặp khó khăn.

Hiện Intel Việt Nam được xem là trường hợp ngoại lệ khi được cho phép sử dụng chữ ký số VeriSign của hãng Symantec (Mỹ) trong các giao dịch hải quan điện tử. Một trong những lý do của sự ưu đãi này là Intel Việt Nam là doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ.

Ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan - Tổng cục Hải quan, cho rằng để tạo điều kiện thuận lợi cũng như tính công bằng trong môi trường đầu tư, Việt Nam cần chấp nhận nhiều loại chữ ký số quốc tế chứ không chỉ riêng trường hợp của Intel với chữ ký số VeriSign.

Giới chuyên gia công nghệ cũng cho biết nhiều tập đoàn đa quốc gia khác có văn phòng, công ty, nhà máy ở Việt Nam cũng bày tỏ nguyện vọng được ưu đãi tương tự như Intel.

Quy định chưa theo kịp nhu cầu thực tế

Câu chuyện cấp giấy phép cho các nhà cung ứng dịch vụ chữ ký số quốc tế ở thị trường Việt Nam thực sự không phải là một vấn đề đơn giản, bởi nó đặt ra khá nhiều việc cho các cơ quan chức năng trong công tác nghiên cứu, điều chỉnh chính sách quản lý trong lĩnh vực này…

Theo ông Trần Hữu Linh, Nghị định 26 hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử quy định điều kiện công nhận các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài như sau: các quốc gia nơi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đó đăng ký hoạt động phải có ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế có quy định về công nhận chữ ký số và chứng thư số nước ngoài mà Việt Nam có tham gia. Như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số nước ngoài đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… không thể được công nhận chữ ký số ở Việt Nam vì các nền kinh tế này không có điều ước công nhận chữ ký số với Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số nước ngoài đang được sử dụng phổ biến như VeriSign, GlobalSign, GeoTrust… lại đăng ký kinh doanh ở nước ngoài nên sẽ không có khả năng đáp ứng được quy định kể trên tại Nghị định 26, và không được cấp giấy phép hoạt động ở Việt Nam. Nghị định 26 chưa đặt các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số nước ngoài vào phạm vi điều chỉnh, trong khi rất nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp ở Việt Nam đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ chữ ký số quốc tế.

Từ thực tế này, ông Linh kiến nghị các ngành chức năng cần xem xét việc xây dựng một quy định mới phù hợp với nhu cầu thực tế về việc sử dụng chữ ký số ở trong nước. Quy định mới cần tính đến yếu tố thành lập và hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế để có các sự điều chỉnh hợp lý.

Thúc đẩy một xu hướng ứng dụng

Ở góc độ nhà kinh doanh, ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc mảng dịch vụ chữ ký số của Bkav, nói rằng các nhà cung cấp dịch vụ trong nước chưa thể đưa ra thị trường các dịch vụ như codesigning hay SSL không phải do không đủ năng lực mà do bị giới hạn bởi một số chính sách của cấp quản lý.

Ông Nguyễn Văn Minh, đại diện đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của VNPT, lại cho biết khi các nhà cung cấp trong nước đưa ra gói dịch vụ chứng thực SSL thì các trình duyệt web lại chưa chấp nhận. Điều này dẫn đến tình trạng khi người sử dụng Internet truy cập vào trang web thì luôn xuất hiện dòng cảnh báo là trang này chưa được chứng thực. Đây cũng là nguyên nhân của việc nhiều doanh nghiệp không mua dịch vụ của nhà cung cấp trong nước mà chọn các đối tác nước ngoài.

Ông Minh giải thích rằng công nghệ mà các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng trong nước ứng dụng không khác so với nhà cung cấp nước ngoài. Nhưng chứng thư số của Trung tâm Chứng thực Chữ ký số quốc gia không được đưa vào danh mục chứng thực (trusted store) của các trình duyệt web có uy tín trên thế giới. Do đó, chứng thư số SSL của Việt Nam rất khó được chấp nhận trong thị trường SSL ngay tại Việt Nam.

Theo ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm chứng thực Chữ ký số quốc gia, để quốc tế chấp nhận chữ ký số Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực, từ cả phía trung tâm lẫn các nhà cung cấp. Việt Nam đang nghiên cứu xu thế, kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đưa chữ ký số của trung tâm vào các trình duyệt web quốc tế.

Bên cạnh đó, trung tâm này cũng đang nghiên cứu các phương án chấp nhận chữ ký số quốc tế và tham khảo cách thức các quốc gia khác cho phép sử dụng chứng thư số nước ngoài như thế nào.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhằm nghiên cứu đưa ra chính sách quản lý nhà nước để thúc đẩy chữ ký số phát triển tại Việt Nam.

*Chữ ký số có thể hiểu là một loại chứng thực được sử dụng trên môi trường giao dịch điện tử. Chữ ký số trên môi trường điện tử cũng có ý nghĩa như chữ ký tay trên môi trường giao dịch văn bản.

Theo Thesaigontime

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm