“Think Different”, dám nghĩ khác và làm khác, Steve Jobs là người luôn có những tư duy và cách suy nghĩ luôn làm mọi người cảm thấy bị bất ngờ và cảm thấy lạ lẫm, nhưng chính điều này đã mang đến sự thành công cho "triều đại" của Apple ngày hôm nay.
Đã từng đứng bên bờ vực của sự phá sản, dưới sự lãnh đạo và dìu dắt của Steve Jobs, Apple đã trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Vậy Jobs đã làm cách nào để thực hiện điều này? “Nghĩ khác” và dám làm chính là những bí quyết thành công ông.
1. Bắt tay với đối thủ
Đã bao giờ bạn từng nghĩ đến chuyện Pepsi hay Coca-Cola hợp tác cùng nhau? Hay 2 mạng viễn thông khổng lồ Verizon và AT&T cùng nhau phát triển mạng lưới di động? Đây dường như là điều không thể.
Tuy nhiên, không ít người hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết được rằng Apple và “đối thủ truyền kiếp” Microsoft đã từng thông báo mối quan hệ đối tác tại sự kiện Macworld Expo vào năm 1997.
Lúc khó khăn, Steve Jobs chấp nhận bắt tay đối thủ để vực dậy công ty
Sau 12 năm “sa vào vũng lầy”, Steve Jobs cần 1 khoản tiền lớn để giúp vực dậy Apple, và Jobs đã tìm đến Bill Gates. Microsoft sau đó đã nhanh chóng đầu tư khoản tiền 150 triệu USD vào Apple, nhờ khoản tiền này, Jobs đã giúp Apple hồi sinh thần kỳ, và giờ đây đã lại vượt mặt chính Microsoft.
“Thời đại của sự cạnh tranh giữa Apple và Microsoft đã vượt xa hơn mức tôi có thể mô tả” - Jobs nói tại sự kiện Macworld Expo 1997 - “Điều này nhằm giúp Apple mạnh mẽ hơn, giúp Apple có thể đóng góp cho ngành công nghiệp và trở lại như trước”.
2. Mang “sex” vào trong sản phẩm
Là 1 doanh nhân tuyệt vời, Jobs biết tầm quan trọng của tính thẩm mỹ, và ông đã nhận ra cácsản phẩm của Apple trông như đã “quá đát”.
Năm 1998, Jobs tổ chức 1 cuộc họp tại Apple, và mắng vào nhân viên của mình: “Mọi người biết điều gì đang xảy ra với công ty này không? Sản phẩm quá tồi tệ - Không có ‘sex’ trong đó”.
Các sản phẩm của Apple luôn khiến các “đối thủ” phải “ngã mũ” kính phục về kiểu dáng
Từ cuộc họp này, giờ đây, Apple luôn là hãng tiên phong đi đầu để tạo ra những sản phẩm công nghệ có kiểu dáng đẹp mắt và lôi cuốn, từ iMac, iPhone đến iPad.
3. Thay đổi tầm nhìn và kế hoạch kinh doanh ban đầu
Ban đầu, Apple chỉ là công ty sản xuất máy tính, tuy nhiên Jobs biết cần thiết phải mở rộng cách tiếp cận của mình nếu muốn đưa công ty đến với thành công.
Apple sau đó đã bắt đầu mở rộng sản phẩm của mình vượt ra ngoài phạm vi máy tính cá nhân, đầu tiên với việc phát hành phần mềm mang tên Final Cut Pro, tiếp theo là máy nghe nhạc iPod, điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad.
Từ 1 công ty máy tính đơn thuần, Apple trở thành công ty sản xuất cả máy nghe nhạc, điện thoại và máy tính bảng
Ít ai biết rằng, Apple thậm chí còn sản xuất cả máy ảnh với tên gọi QuickTake vào năm 1994, tuy nhiên đã bị khai tử vào năm 1997.
Với việc mở rộng sản phẩm, Jobs đã đổi tên công ty vào năm 2007, từ Apple Computer thành Apple, như 1 cách để thay đổi chiến lược kinh doanh của công ty.
4. Tạo các giải pháp để vượt qua rào chắn của “không thể”
Các cửa hàng bán lẻ đồ điện tử không thể tạo cho Apple 1 vị thế tương xứng với thương hiệu của “Quả táo”. Và giải pháp táo bạo của Jobs là Apple Store, những cửa hàng bán lẻ chỉ dành riêng cho sản phẩm của Apple.
Apple Store là sự thành công trong ngành công nghiệp bán lẻ và công nghệ
Rải rác khắp nơi trên thế giới, đến thời điểm này cho thấy giải pháp của Steve Jobs là hoàn toàn đúng đắn và thành công trong lĩnh vực bán lẻ máy tính và sản phẩm điện tử, lại giúp nâng cao vị thế thương hiệu của Apple.
5. Nói cho khách hàng biết họ muốn gì, thay vì phải hỏi họ
Có bao giờ bạn tự hỏi Apple luôn thành công với các sản phẩm của mình, và luôn là người tiên phong đi đầu tạo ra sự trào lưu? Chính là nhờ vào tư duy này của Steve Jobs. Thay vì phải chờ phản hồi của khách hàng để biết họ cần gì, muốn gì rồi mới đưa ra sản phẩm đáp ứng, Jobs luôn biết cách để đưa ra những sản phẩm đáp ứng sở thích của khách hàng.
Apple luôn biết cách để tạo sự thành công cho sản phẩm của mình
“Apple có một kỷ lục các thành tích tạo ra các sản phẩm mà khách hàng mong muốn, những thứ mà trước đây họ chưa từng nghĩ đến hoặc họ nghĩ rằng mình không muốn” - Carl Howe, giám đốc nghiên cứu khách hàng của tập đoàn nghiên cứu thị trường Yankee Group cho biết.
Năm ngoái, khi iPad lần đầu được giới thiệu, nhiều người cho rằng đó chỉ là 1 sản phẩm không có gì nổi bật, và là một phiên bản phóng lớn của iPhone, nhưng rồi, chỉ sau 1 năm, gần 20 triệu chiếc iPad đã được tiêu thụ. 1 minh chứng cho sự thành công về tư duy khác người của Jobs.
6. “Kết nối các điểm với nhau”
Cùng với sản phẩm được ra mắt, Apple luôn biết cách để đi kèm theo đó những dịch vụ mở rộng để đáp ứng người dùng.
Khi giới thiệu máy nghe nhạc iPod, Apple đã kèm theo dịch vụ bán nhạc trực tuyến iTunes. Và sau này, khi iPhone hay iPad được trình làng, kèm theo đó là chợ ứng dụng App Store.
Như Jobs đã nói, “sáng tạo là sự kết nối nhiều điều với nhau”, Apple luôn cho thấy sự tổng thể luôn quan trọng hơn những thành phần rời rạc.
7. Khuyến khích mọi người cùng “nghĩ khác”
Đoạn quảng cáo với thông điệp “Think Different” (Nghĩ khác) của Apple đưa ra vào năm 1990 và trở thành 1 trong những khẩu hiệu mang lại sự ảnh hưởng lớn nhất, và giờ đây đã trở thành khẩu hiệu chính thức của Apple.
Chính Steve Jobs là người đã diễn đạt nội dung trong đoạn quảng cáo này. Đoạn quảng cáo với sự xuất hiện của các vĩ nhân nổi tiếng trong lịch sử như Albert Einstein, Bob Dylan, Martin Luther King, John Lennon, Thomas Edison, Mahatma Gandhi, Pablo Picasso… với hàm ý hãy nghĩ khác để trở nên khác biệt và thành công với sự khác biệt đó.
Đoạn quảng cáo “Think Different” với giọng văn truyền cảm của Steve Jobs:
8. Không phức tạp hóa
Đơn giản là hạnh phúc. Jonathan Ives, 1 nhà thiết kế của Apple đã từng khẳng định tư duy này của Steve Jobs: “Chúng tôi luôn cố gắng xây dựng những giảm pháp rất đơn giản, bởi vì giống như vật lý, càng đơn giản, chúng ta càng nhìn thấy chúng rõ ràng hơn”.
9. Bán ước mơ, không phải bán sản phẩm
Với Jobs, mỗi sản phẩm phải được khách hàng đón nhận như chính tâm hồn họ
Với Jobs, những sản phẩm mà người dùng mua không chỉ là thứ để sử dụng, mà đó như là 1 sản phẩm để đại diện cho họ. Theo ông, thứ người dùng quan tâm đầu tiên chính là bản thân mình, chứ không phải là 1 thứ sản phẩm nào đó, nên phải làm sao, để ra mắt những sản phẩm mà từ đó, người dùng cảm nhận như chính mình.
Apple đã rất thành công với tư duy này của Jobs.
10. Tin vào sự can đảm và quyết tâm
Jobs đã có bài phát biểu kinh điển tại đại học Stanford vào năm 2005
Trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp đại học Stanford vào năm 2005, Steve Jobs đã từng nói: “Phải có can đảm để làm theo trái tim và trực giác của bạn. Chỉ có trái tim và trực giác mới biết được bạn thực sự muốn trở thành như thế nào”.
>> Steve Jobs: 1 chặng đường cống hiến
>> Những câu nói bất hủ từ Steve Jobs
Theo ICTnews