Quảng cáo trực tuyến có nguy cơ xé rào

Có hai tình huống xảy ra một khi ban hành nghị định để “trói” các đại gia quốc tế cung cấp dịch vụ CNTT xuyên biên giới. Trường hợp như Google hay Facebook tuân thủ luật pháp VN thì mọi chuyện trở thành đơn giản.

Bài cuối: Cảnh báo nguy cơ xé rào

Xuất hiện không ít website bán quảng cáo trên Facebook. Ảnh: X.V

Song trường hợp Google không chịu đăng ký pháp nhân kinh doanh tại thị trường VN theo quy định và Facebook không chỉ bán dịch vụ qua đại lý mà bán trực tiếp, khi ấy tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều.

Nguy cơ xé rào

Theo ông Nguyễn Hồng Thành - GĐ Cty Emerald, đại lý quảng cáo của Google - lâu nay các DN VN trả chi phí quảng cáo cho Google hay Facebook nếu thanh toán qua thẻ tín dụng quốc tế không được các cơ quan thuế xem là chi phí hợp lý của DN, mà cho rằng đó là chi phí của cá nhân. Trong khi đó, khoản 3 điều 20 của dự thảo nghị định về dịch vụ CNTT, lại quy định: Các cá nhân, tổ chức và DN nếu mua trực tiếp dịch vụ CNTT để sử dụng trên lãnh thổ VN từ tổ chức, DN dịch vụ chưa đăng ký cung cấp tại VN mà không thông qua các đại lý, sẽ phải nộp thuế VAT 10% và chịu thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với phần chi phí mua, sử dụng dịch vụ. Ông Thành cho rằng, điều này càng thúc đẩy các DN lách luật. Vì một khi DN VN không còn được làm đại lý quảng cáo, các khách hàng của Google tại VN sẽ mua dịch vụ trực tiếp của Google hoặc các đại lý ở nước ngoài dưới những hợp đồng “núp bóng” những dịch vụ khác chứ không ghi là mua bán quảng cáo. Như thế, DN VN vừa hợp thức hóa được chi phí cho DN và sẽ được cơ quan thuế cho khấu trừ, mặt khác, hệ thống ngân hàng cũng không thể lần ra được dấu vết buộc DN VN phải đóng khoản thuế VAT 10% và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Vấn đề mấu chốt, theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Tin học TPHCM - là “quản bằng cách nào và tính khả thi tới đâu”. Vì nếu Google không chịu đăng ký kinh doanh tại VN và tình huống lách luật diễn ra, thì Chính phủ VN vừa thất thu thuế mà DN VN vốn là đại lý quảng cáo cũng mất đi một mảng kinh doanh và doanh thu. Theo ông Thành, nếu thực hiện như quy định hiện nay, DN VN làm đại lý quảng cáo cho Google hay Facebook sẽ phải đóng ba khoản thuế (10% thuế nhà thầu, 5% thuế VAT và 5% thuế thu nhập DN) lên đến 20%.

Trông chờ vào... ý thức

Ông Lê Hồng Minh - Tổng GĐ Cty VNG - có cách lý giải khác: “Nếu các DN muốn lách luật thì họ có hàng trăm cách làm. Nhưng mỗi DN, đặc biệt là các DN lớn, cần cân nhắc giữa việc làm trái luật với sự tổn hại đến thương hiệu và uy tín nếu bị điều tra, phát hiện”. Ông Nguyễn Trọng Đường - Cục trưởng Cục CNTT, thành viên ban soạn thảo - cũng cho rằng: “Tình trạng vi phạm bản quyền vẫn tràn lan, nhưng nếu vì thế mà chậm ban hành quy định quản lý về bản quyền sẽ không ổn. Dù không đạt được 100% chấp hành nhưng cũng giải quyết được phần nào. Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ CNTT cũng vậy, chúng ta cần có quy định để DN dần vào nền nếp. Tôi hy vọng rằng Google hay Facebook là những DN toàn cầu, luôn coi trọng uy tín và thương hiệu, sẽ tuân thủ luật pháp ở mỗi quốc gia khi cung cấp dịch vụ tại quốc gia đó”.

Hiện nay, dòng tiền chảy ra nước ngoài mua các dịch vụ quảng cáo trực tuyến hay mua những ứng dụng CNTT, viễn thông, nội dung số được trả qua thẻ tín dụng cá nhân chiếm đến 80%. Quy định tại khoản 3 điều 20 là cần thiết để quản lý dòng tiền và chống thất thu thuế. Tuy nhiên cũng theo ông Đường, muốn làm chặt vấn đề này cần có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước VN, với các quy định buộc các ngân hàng phải khấu trừ thuế trên các giao dịch mua dịch vụ CNTT xuyên biên giới khi thanh toán qua thẻ tín dụng. Qua đây cho thấy, cốt lõi của việc quản lý kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới chính là quản lý dòng tiền thanh toán.

Theo laodong

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm