Quảng cáo trên di động đi về đâu

Theo một khảo sát gần đây, quảng cáo trên di động (QCDĐ) chiếm một giá trị rất ấn tượng, khoảng 7,942 tỷ USD.

Các nhãn hàng đầu tư khá mạnh vào dịch vụ quảng cáo trên di động với sự tin tưởng nó sẽ giúp mình tìm đến được với một lượng khách hàng tiềm năng mới một cách trực tiếp hơn. Tuy nhiên,QCDĐ ở thị trường thế giới đang trên đà thăng hoa, thì tại Việt Nam lại đang đi vào bế tắc và bị xem như một tệ nạn.

Lợi thế của quảng cáo

Theo các chuyên gia, QCDĐ có khá nhiều lợi thế chính là sự tiếp cận một cách trực tiếp tới các khách hàng tiềm năng với một chi phí khá rẻ. Một số hãng nghiên cứu thị trường đã tính toán sơ bộ chi phí dành cho quảng cáo trên di động chỉ bằng 1/20 so với các loại hình quảng cáo khác mà các doanh nghiệp phải trả. “Nếu nhìn xa hơn một chút, marketing trên điện thoại sẽ rất quan trọng vì cả thế giới sẽ có 5 tỷ điện thoại được sử dụng và điện thoại di động là vật luôn luôn ở bên cạnh chúng ta”, Hamid Akhavan - chủ tịch tập đoàn T-Mobile của Đức nhấn mạnh. “Một người trong cuộc đời của họ có thể không có TV hay laptop nhưng chắc chắn không thể thiếu điện thoại di động. Vì thế, không có lý do gì để điện thoại không trở thành công cụ hữu hiệu của các nhà quảng cáo”. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đã có thời QCDĐ từng bị xem là một dạng tin nhắn rác bị cộng đồng lên án nhưng các biện pháp cải cách sau đó đã mang đến cho QCDĐ một diện mạo mới. Đại diện hãng viễn thông SFR của Pháp cho biết người dùng điện thoại sẽ có quyền lựa chọn có sử dụng dịch vụ quảng cáo của họ hay không và “chẳng mấy ai chọn từ chối cả”.

Quy mô thị trường Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Thông Tin & Truyền Thông, tính đến tháng 12/2010, Việt Nam đã có hơn 14 triệu thuê bao điện thoại cố định và hơn 110 triệu thuê bao di động. Cả nước đã có gần 26 triệu người sử dụng Internet và gần 3,7 triệu thuê bao Internet băng rộng. Với các con số thống kê này, Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) đã xếp Việt Nam vào vị trí thứ 8 thế giới về mật độ thuê bao di động, và được đánh giá như một điểm sáng của viễn thông thế giới. Theo ông Hamadoun Touré - tổng Thư ký ITU thì “mật độ thuê bao di động của Việt Nam hiện chỉ thấp hơn 7 quốc gia khác gồm Macao Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ả rập Xê út, Montenegro, Panama, Bermuda và Ireland”.

Tuy thế, bên cạnh việc có một thị trường viễn thông đầy tiềm năng thì trong nước, nhiều chuyên gia đang lo ngại về những điểm đen trong thị trường này và đã có nhiều dấu hiệu chứng tỏ mọi thứ đang bị mất kiểm soát đến mức ngay cả các cơ quan chủ quản đang phải loay hoay tìm những biện pháp để kìm cương “con ngựa bất kham” này. “Việt Nam đang phải đau đầu với tình trạng thuê bao ảo, khi mà người sử dụng dùng SIM thay cho thẻ cào điện thoại và nạn quảng cáo – lừa đảo trên di động diễn ra một cách rất phổ biến”, một chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên, điều tai hại là các công ty lừa đảo này lại núp dưới vỏ bọc của các công ty quảng cáo trên di động. Điều này khiến mô hình quảng cáo này vừa mới hình thành thì đã bị “lật tẩy” tại trị trường Việt Nam.

Cần được định hướng lại

Theo nghiên cứu mới nhất của hãng Informa Telecoms & Media, thị trường QCDĐ toàn cầu ước đạt doanh thu 1,72 tỷ USD vào năm 2008. Con số này khá khiêm tốn, nhưng đến nay nó đã tăng lên tới mức gần 8 tỷ USD và chỉ sau 5 năm (tính từ thời điểm 2008) tức vào năm 2013, giá trị toàn thị trường của QCDĐ sẽ tăng gấp 7 lần để đạt mức 12,09 tỷ USD. Khoảng 80% doanh thu quảng cáo sẽ do các nhà cung cấp nội dung di động tạo ra, người phát ngôn Informa Telecoms & Media cho biết. Tại thị trường thế giới, cái thời tin nhắn spam đã qua khá xa và những nội dung liên quan đến Mobile Marketing từ điện thoại viên lại càng không còn hiện hữu nhưng ở Việt Nam thì hai dạng trên vẫn còn tồn tại rất mạnh.

“Chúng tôi đang thực hiện các chiến dịch QCDĐ bằng cách phân phối banner đến với người lướt web trên nền mạng của họ. Đây cũng là cách thức phổ biến ở các đối thủ khác của chúng tôi”, đại diện một nhà mạng tại Hoa Kỳ cho biết. Tuy thế, các nhà cung cấp dịch vụ đều lo lắng về thái độ của người dùng điện thoại, “điện thoại di động là thiết bị thân thiết với người dùng và họ đã phải trả tiền để sử dụng dịch vụ vì thế chắc chắn không ai muốn bị spam”, Dan Schulman - CEO của Virgin Mobile USA chia sẻ. Tập đoàn này cho biết họ sẽ cực kỳ cẩn thận khi phát tán banner quảng cáo đến những khách hàng lướt web trên di động.

Tại Việt Nam, các chuyên gia kỳ vọng khi 3G xuất hiện sẽ giúp phát triển công nghệ QCDĐ thông qua các banner khi duyệt web nhưng thực tế cho tới nay, 3G vẫn chưa tạo được động lực cho quảng cáo trên di động thay đổi. “Sẽ còn rất lâu nữa, quảng cáo trên di động tại Việt Nam mới tìm được đường ra, bởi, dù có 3G, dù có hàng trăm công ty dịch vụ nội dung di động nhưng, lượng người sử dụng smartphone còn quá thấp và nhu cầu sử dụng media trực tuyến lại còn ít hơn. Đơn giản vì cước các dịch vụ giá trị gia tăng ở di động tại Việt Nam còn quá cao so với thu nhập của người dân”, một chuyên gia kết luận.

Theo XHTT

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm