Sự thật đằng sau những "thần chém gió" trên mạng

Trên mạng, mọi người thường bày tỏ quan điểm quá khích và không giữ được bình tĩnh.Hẳn bạn từng tranh cãi với người khác khi tham gia chia sẻ ý kiến trên mạng (như diễn đàn, mục bình luận hay mạng xã hội).

Bạn cảm thấy họ quá rảnh rỗi để chọc phá mình với những bình luận thiếu suy nghĩ, từ ngữ khó nghe và đầy khiêu khích. Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao họ lại đối xử như vậy? Và quan trọng hơn, bạn sẽ làm gì nếu phải đối mặt với họ?

Những kẻ quá khích trên mạng: chào mừng bạn đến thế giới web

Đầu tiên, khi bạn định viết thứ gì trên mạng, hãy chấp nhận rằng sớm hay muộn cũng xuất hiện người bất đồng quan điểm. Tại bất cứ thời điểm nào, bạn đều có thể bị phản bác và luôn nhớ rằng bạn không "dạy đời" mọi người. Bạn nên có trách nhiệm khi muốn truyền bá thông tin và cung cấp dẫn chứng cho độc giả tham khảo. Đừng mang tư tưởng và suy nghĩ của mình đặt lên người khác, bởi đấy chính là điểm xuất phát của mọi tranh cãi trên mạng.

Tại sao một số người cư xử trên mạng rất tệ?

Bản chất của vấn đề là: luôn có những người hay cáu gắt trên mạng và họ ngày càng táo bạo hơn khi "núp" sau màn hình máy tính. Đôi khi những người này rất quá khích nhưng không nghĩ đến trách nhiệm trong lời nói và hành động.

Chỉ với một cái tên giả, bạn dễ dàng làm bất cứ điều gì: dùng lời lẽ tục tĩu, tham gia vào những câu chuyện phiếm vô nghĩa hoặc gọi người khác bằng biệt danh khó nghe. Ngoài đời bạn là con người hiền lành nhưng trên mạng thì chưa chắc vậy. Sự thay đổi tính cách rất nguy hiểm nếu bạn không biết cách kiểm soát hành vi của mình.

Hai mặt của vấn đề

Khi tham gia một cộng đồng quen thuộc và bắt buộc công khai danh tính, dễ thấy hầu hết thành viên đều tỏ ra lịch sự và thận trọng hơn trong từng bình luận. Nhưng khi không có ai kiểm soát thì cuộc tranh luận nảy lửa luôn xảy đến. Điều này dễ bắt gặp trên cộng đồng lớn như YouTube hay các trang blog phổ biến. Với biệt danh congacon, sẽ chẳng ai quan tâm bạn là người như thế nào và bạn có thể nói những thứ mà bạn cho là đúng.

Sẽ phải làm gì nếu ở trong cuộc?

Với đa phần những kẻ thích tranh cãi trên mạng, điều duy nhất giữ họ tập trung chính là sự chú ý. Nếu bạn đang bất đồng ý kiến với một người, tốt nhất đừng mất thêm thời gian với họ nữa. Bằng việc trả lời, bạn cho anh ta thêm sự chú ý mà anh ta đang chờ đợi và càng làm đối phương trở nên quá khích. Chỉ cần không phản ứng lại hành động cả khi anh ta dùng đến những lời lẽ thiếu trong sáng. Và bạn có thời gian để làm những việc tốt hơn.

Nếu bạn thực sự mất kiềm chế, tốt nhất nên rời khỏi máy tính để làm việc khác và dần dần bình tĩnh lại. Quên cuộc tranh luận đi vài ngày để đối phương chán mà từ bỏ. Rõ ràng, việc tìm sự thoải mái trên mạng dễ hơn nhiều so với ngoài đời thực.

Cuộc chiến CAPSLOCK

Trong một số trường hợp, đối phương sẵn sàng xắn tay áo đôi co với bạn. Tất nhiên, bạn có thể bật CAPSLOCK và dùng lời lẽ mạnh mẽ đáp trả. Chúng thực sự chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thay vào đó, bạn hãy thử tìm hiểu nguyên nhân khiến người ta nói xấu mình trước.

Vấn đề của cư dân mạng là họ không thể nghe thấy âm điệu của đối phương. Hai bên chỉ tranh luận qua lại bằng dòng chat hoặc bình luận. Nếu vô tình bật CAPSLOCK sẽ khiến người bên kia tưởng rằng bạn đang hét vào mặt họ. Đã có nhiều trường hợp hiểu lầm chỉ vì những tin nhắn văn bản.

Kết luận

Sự cuồng tín hoặc tin tưởng thái quá vào thông tin trên mạng là một vấn đề lớn. Chúng ta không giống nhau trong cách tiếp nhận thông tin, môi trường sống hay nền văn hóa. Điều này khiến mỗi người có nhận thức khác nhau về cùng một vấn đề. Cho nên, trước khi viết bình luận, bạn hãy suy nghĩ một chút và lựa chọn từ ngữ thích hợp, thay vì viết theo chủ quan và sẵn sàng tranh cãi để bảo vệ ý kiến của mình.

Theo Kenh14

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm