5 cuộc thi động vật thú vị nhất Việt Nam

Nếu không kể đến chọi gà, chọi cá, chọi trâu, vốn ít nhiều bị các tay mê đỏ đen lợi dụng trục lợi, thì đua chó, đua heo, đua bò, đua voi... được xem như điểm nhấn của dịch vụ du lịch các tỉnh.

Đua chó

Lam Sơn (15 Lê Lợi) để thưởng thức môn đua chó

Đến Vũng Tàu vào các ngày cuối tuần, sau khi thỏa thích tắm biển hay tham quan các di tích, thắng cảnh... người ta có thể đến sân vận động Lam Sơn (15 Lê Lợi) để thưởng thức môn đua chó. Đây hiện là điểm duy nhất tổ chức bộ môn này trong cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Mỗi vòng đua dài 450m, có 8 chú chó tham gia. Sau khi phát lệnh, một con “thỏ mồi” được gắn trên đường trượt quanh đường đua với tốc độ luôn nhanh hơn các chú chó một khoảng nhất định. Các chú chó sẽ rượt theo thỏ mồi và chạy đến đích. Con nào về đích trước sẽ thắng cuộc.

Bên cạnh việc xem chó đua, khán giả cũng có thể tham gia chương trình dự thưởng để thêm phần hồi hộp, hấp dẫn. Có 3 loại thắng giải áp dụng cho mọi đợt đua là Win, Exacta và Trifecta. Thắng nhất là Win nếu con chó mà bạn chọn về nhất. Thắng nhất, nhì (Exacta) là 2 con chó bạn chọn về nhất, nhì và Trifecta (thắng nhất-nhì-ba) là thắng đậm nhất nếu cả 3 con bạn chọn đều đứng về 3 thứ hạng đầu, bạn sẽ giành trọn tiền thưởng.

Điểm cộng trong trò chơi này là BTC khá công bằng khi nếu muốn tham gia dự thưởng, bạn sẽ được phát một cuốn tài liệu chi tiết về từng chú chó. Từ thành tích, tình trạng sức khoẻ, cuộc đua gần nhất nó tham gia… Dựa trên các thông số đó, bạn chọn con chó để đặt cược.

Đua heo

Đua heo xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam

Đua heo xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam, cụ thể là các tỉnh miền Tây và thường được các KDL sinh thái chọn như điểm nhấn cho KDL của mình. Tại Sài Gòn, muốn xem đua heo bạn có thể đến KDL Sinh thái dân tộc thiểu số, ở xã Nhuận Đức, Củ Chi.

Trường đua heo có 6 đường đua, chiều dài khoảng 15 m. Sau khi tiếng xập xèng (hiệu lệnh xuất phát) vang lên, 6 chú heo phi người về phía trước. Tiếng la hét, cổ vũ từ phía khán giả khiến các "vận động viên" càng hăng máu và căng thẳng.

Các vận động viên heo chỉ có thể chạy đua khi đói và huy chương là những viên cám. Ngoài ra, một con heo không chạy liên tiếp quá 10 vòng và sự nghiệp của chúng chỉ kéo dài khoảng 4-6 tháng.

Đua bò

Nhắc đến đua bò, du khách nhớ ngay đến vùng đất An Giang

Nhắc đến đua bò, du khách nhớ ngay đến vùng đất An Giang, nơi nổi tiếng với lễ hội đua bò từ 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch (nếu tháng thiếu thì từ 29/8 đến mùng 2/9 âm lịch).

Khu vực đua bò là một khoảnh ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200 m, ngang 100 m. Ngoài ra, điều kiện tiên quyết là ruộng phải có nước xăm xắp, được “trục” xới nhiều lần cho có độ trơn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò.

Có sự tham gia của con người nên các quy định trong cuộc thi này cũng ngặt nghèo hơn. Cụ thể, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại. Người điều khiển nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc. Đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc... Điểm khác lạ ở cuộc đua này là đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó và đôi xuất phát sau có lợi thế hơn đôi xuất phát trước.

Đua voi

Lễ hội đua voi được cố định diễn ra vào tháng 3 hàng năm tại buôn Đôn, Đăk Lăk.

Bãi đua được chọn thường là dải đất bằng phẳng đủ để 5-10 con voi giăng hàng ngang để thi theo từng tốp. Sau hiệu lệnh là một hồi tù và, đàn voi phóng nhanh về phía trước trong sự cổ vũ nhiệt tình của mọi người cùng tiếng chiêng, tiếng trống.

Cũng có sự tham gia của nài voi, nên luật thi của đua voi cũng công phu không kém. Song ấn tượng nhất là hình ảnh những chú voi nặng hàng tấn phục tùng sự điều khiển của nài voi, lao đến đích. Ngoài chạy đua, các chú voi còn tham gia nhiều môn thi như bơi vượt sông, đá bóng, kéo gỗ... để giành các giải thưởng khác nhau cũng như phục vụ du khách.

Thi dê

Đến Mèo Vạc, Hà Giang, bạn sẽ bất ngờ với cuộc thi dê.

Đến Mèo Vạc, Hà Giang, bạn sẽ bất ngờ với cuộc thi dê. Có điều, nếu trong các cuộc thi trên, con nào về đích nhanh nhất sẽ thắng thì với “con 35”, đây là cuộc trình diễn sức mạnh.

Vào ngày hội, mỗi con dê được đánh dấu thứ tự và thi đấu với nhau theo hình thức loại trực tiếp. Dê thi đấu trong sới hình tròn, có diện tích 18m2. Thời gian chọi được quy định trong khoảng 10 phút nếu cả hai không chọi hoặc đánh quá lâu, trọng tài sẽ cho rút thăm để phân thắng thua. Con nào thắng tất cả sẽ giành được phần thưởng. Điểm thú vị của cuộc thi đấu này là những ngón nghề độc đáo, ghi đậm dấu ấn cá nhân của từng chú dê hay những khoảnh khắc thú vị lý giải tên gọi của loại động vật này. 

Theo Zing

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm