Những hạn chế của smartphone Android

25/08/2012

Không có một nền tảng nào là hoàn hảo cả, và ngay cả Android, nền tảng di động đang thống trị làng smartphone vẫn đang có những điểm trừ cần khắc phục.

Dưới đây là 8 điểm trừ như thế.

1. Nhiều tính năng khó kích hoạt.

2. Google Play Store chưa bằng iTunes.

3. Thiếu vắng những phụ kiện tốt.

4. Kém mượt hơn so với iPhone.

5. Rất nhiều chương trình nguy hiểm.

6. Chất lượng ứng dụng chưa cao.

7. Độ phân mảnh cao.

8. Khả năng cập nhật chậm.

1. Nhiều tính năng khó kích hoạt

Người dùng Android có thể tự hào rằng mình sở hữu rất nhiều tiện ích hay ứng dụng đến từ gian hàng số đồ sộ Play Store. Nhu cầu của người dùng rất đa dạng và kho ứng dụng Play Store có rất nhiều ứng dụng để thỏa mãn những nhu cầu như vậy. Thế nhưng cách thức cài đặt và sử dụng những ứng dụng như vậy đôi khi thường hay gây khó khăn cho những người mới sử dụng.

Nhiều tính năng khó kích hoạt

2. Google Play Store chưa bằng iTunes

Vừa qua, Google đã thực hiện một số chính sách nhằm cải thiện chất và lượng của gian hàng Google Play Store. Hiện tại, bên cạnh các ứng dụng thì gian hàng số của Google cũng đang tiến hành cung cấp thêm những nội dung số khác như chương trình truyền hình, phim và nhạc để người dùng Android có thể thuê hoặc mua. Tuy nhiên so với iTunes của Apple thì Google Play Store vẫn còn thua kém khá nhiều. Đơn cử như những nội dung về nhạc số, kho ứng dụng của Google vẫn thiếu vắng những bài hát từ Warner, một trong bốn ông lớn của ngành âm nhạc thế giới.

Google Play Store chưa bằng iTunes

3. Thiếu vắng những phụ kiện tốt

Có lẽ là do doanh số bán hàng không được tốt và độ phân mảnh quá cao mà những chiếc điện thoại Android vẫn chưa có nhiều những phụ kiện như iPhone của Apple. Người dùng Android vẫn phải thèm thuồng trước những phụ kiện đa dạng và hấp dẫn dành cho các thiết bị chạy iOS của Apple.

4. Kém mượt hơn so với iPhone

Rất nhiều người sử dụng iPhone và Android đã đưa ra nhận xét rằng iOS mượt hơn so với Android. Nói như thế không có nghĩa là Android không mượt nhưng rõ ràng sự thua kém so với iOS là không thể chối cãi. Điều này gây ra do tính năng tăng tốc phần cứng trên nền tảng Android vẫn chưa được tối ưu hóa trong khi với iPhone, khả năng tăng tốc phần cứng toàn bộ ngay từ phiên bản đầu tiên đã giúp trải nghiệm người dùng trở nên thú vị hơn. Phiên bản Android mới nhất Jelly Bean vừa mới được phát hành thời gian gần đây đã khắc phục được đáng kể nược điểm này. Vấn đề là khi nào người dùng được nâng cấp Jelly Bean.

5. Rất nhiều chương trình nguy hiểm

Android vốn nổi tiếng là nền tảng có tính mở rất cao, người dùng có thể thoải mái tạo ứng dụng và can thiệp sâu vào hệ thống nhằm tùy biến hệ điều hành này theo ý mình. Tuy nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi khiến cho những thiết bị Android là mục tiêu tấn công ưa thích của các hacker. Đây là một trong những nguyên do khiến cho Android của Google là nền tảng nguy hiểm nhất dành cho người dùng. Trước đây, một loại virus SMS bắt nguồn từ Trung Quốc đã lây nhiễm cho hơn 500.000 thiết bị chạy Android của đất nước này.

6. Chất lượng ứng dụng chưa cao

Có rất nhiều ứng dụng thường được ưu tiên phát hành cho iOS trước khi cập bến Android. Và khi có mặt trên Google Play Store thì chất lượng ứng dụng vẫn tỏ ra thua kém so với người anh em trên hệ điều hành di động của Apple. Điều đó đồng nghĩa với việc sức hấp dẫn của Android vẫn chưa thể so sánh được với iOS. Google cần phải tăng cường thêm những chính sách mới nhằm lôi kéo sự đầu tư của các nhà phát triển.

7. Độ phân mảnh cao

Đây được coi là điểm yếu chết người của Android mỗi khi người dùng nhắc tới nền tảng di động của Google. Tuy rằng nhiều mẫu mã điện thoại cũng như máy tính bảng Android giúp người dùng có nhiều lựa chọn hơn mỗi khi muốn sắm sửa nhưng điều này lại khiến cho con cưng của Google bị phân mảnh rất cao: Có rất nhiều mẫu điện thoại Android cao cấp nhưng cũng có rất nhiều mẫu điện thoại Android giá rẻ.

Điều này một mặt gây ra sự không đồng nhất về chất lượng khi người dùng lựa chọn nền tảng Android, mặt khác cũng gây khó khăn cho các nhà phát triển khi phát hành ứng dụng. Họ sẽ phải viết ứng dụng sao cho có thể phù hợp với nhiều độ phân giải màn hình khác nhau. Đôi khi, việc phải viết lại một vài ứng dụng chỉ để tương thích với một số dòng điện thoại nhất định cũng khiến cho các nhà phát triển ứng dụng nản lòng.

8. Khả năng cập nhật chậm

Mỗi khi Google phát hành một phiên bản hệ điều hành Android mới thì cần phải mất rất nhiều thời gian để người dùng có thể nâng cấp. Bởi các nhà sản xuất phần cứng thường rất ít khi chịu nâng cấp Android dành cho người dùng để cắt giảm một số chi phí nghiên cứu. Đó là một điều khiến người dùng Android luôn tỏ ra khó chịu.

Theo BusinessInside

Like Topit.vn

Tin mới
 
Tin liên quan
 
Tiêu điểm