Vụ Công ty DHT lừa đảo kinh doanh đa cấp trên Internet: Lòng tham hay khe hở quản lý?

24/05/2012

Có lẽ, phải đến khi khi cơ quan công an quận Long Biên (TP. Hà Nội) tiến hành phá án, thì hàng ngàn người mới biết rằng, chuyến du lịch được ấp ủ sau khi tham gia đăng ký tại Công ty DHT Đông Nam Á với “giá rẻ như cho” sẽ không bao giờ diễn ra.

Pháp luật thì “kín”, người dân thì “hở”

“Phụ” lấn “chính”: kẻ tham sa bẫy

Đầu tháng 2/2010, qua tìm hiểu trên Internet, Lâm Phúc Hùng được biết về Công ty Diamond Holiday Travel (DHT) có trụ sở tại Mỹ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, với sản phẩm là gói dịch vụ đặt phòng du lịch 4 ngày 3 đêm cho 2 người tại khách sạn hoặc resorts 3 - 5 sao trên toàn thế giới (trong đó có Việt Nam) thuộc hệ thống đối tác của DHT và kết hợp kinh doanh đa cấp trên Internet của Công ty DHT. Giá gói dịch vụ trên là 325 USD, khi khách hàng đăng ký tham gia thì được cấp một mã số ID để tham gia kinh doanh thương mại điện tử qua hình thức kinh doanh đa cấp (KDĐC) trên Internet với chính sách trả thưởng của DHT.

Không cần tính toán nhiều, bởi chỉ cần đi du lịch ngay trong nội địa, với chi phí đi lại bằng máy bay, chuyến nghỉ với giá như vậy, quả là rất hời! Không chỉ có vậy, chính sách KDĐC trên Internet của DHT còn hấp dẫn hơn thế, bởi với phương thức đa cấp, chỉ cần 1 người sau khi bỏ tiền ra và có được ID sẽ tạo ra một bàn (được gọi là bàn vàng) và khi lôi kéo đủ 15 người tham gia cùng, vị “bàn trưởng” đó sẽ được thưởng 1.000 USD, chỉ có điều vì là kinh doanh điện tử, nên tiền thưởng cũng được chuyển vào... ví điện tử (E – wallet)! Sau quá trình lôi kéo để được thăng chức, số tiền thưởng có thể lên đến 15.000 USD.

Thấy mô hình kinh doanh quá hấp dẫn và có thể kiếm lời được từ KDĐC trên mạng Internet, sau khi sang Hồng Kông gặp Andy Hsu, Giám đốc điều hành DHT tại Hồng Kông, Lâm Phúc Hùng về Việt Nam tiến hành kinh doanh! Tính đến thời điểm bị bại lộ (tháng 2/2012) toàn bộ hệ thống DHT của Lâm Phúc Hùng đã có tới 87.000 mã số ID và theo đánh giá của cơ quan cảnh sát điều tra, số tiền các nạn nhân nộp vào đã lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Sau khi âm mưu lừa đảo bị bại lộ, theo nguồn tin của cơ quan điều tra, thực tế có rất ít người được đi du lịch, bởi lẽ, mối lợi lớn của KDĐC trên Internet đã làm lu mờ hoàn toàn mục tiêu đăng ký đi du lịch ban đầu.

Câu hỏi được đặt ra là, thủ đoạn rất đơn giản và có thể thấy được hai điều bất cập như sau: một là, ngay từ ban đầu, tại sao chỉ với 15 người với mức đóng góp là 325 USD, mà lại có thể đưa ra được chi phí thưởng ở mức gần 1/3 tổng giá trị góp lại ban đầu; hai là, với thành tích lôi kéo, mức thưởng sẽ gia tăng rất “khủng”. Vậy thì, lấy đâu ra kinh phí để tổ chức đi du lịch đúng như mục tiêu ban đầu? Vì thế, chỉ có thể đưa ra một câu trả lời duy nhất cho cả hai câu hỏi trên, đó là lòng tham không đáy đã khiến mọi người “quên” mất mục đích chính, vì cái giá “hấp dẫn khó cưỡng lại”.

Pháp luật thì “kín”, người dân thì “hở”

Gần đây, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) liên tục nhận được phản ánh của các tổ chức, cá nhân về hoạt động của một số doanh nghiệp lợi dụng thương mại điện tử để huy động lượng tiền mặt lớn từ mạng lưới người tham gia, với mô hình hoạt động có nhiều điểm không minh bạch.

Để lôi kéo người tham gia, các doanh nghiệp thường hứa hẹn những mức thu nhập rất cao từ việc “phát triển mạng lưới gian hàng”, theo đó, tổng số tiền hoa hồng một người có thể được hưởng có thể rất lớn. Tuy nhiên, các điều khoản về cơ chế đóng phí, trả hoa hồng thường không được quy định rõ trong hợp đồng và các giao dịch chuyển tiền thường không có chứng từ.

Do mức hoa hồng hấp dẫn và cơ chế phân chia hoa hồng đa cấp, phần lớn những người nộp phí mua gian hàng ảo trên mạng đều hướng tới mục tiêu thu lợi nhuận từ hoạt động giới thiệu, lôi kéo người khác tham gia, thay vì để tiến hành kinh doanh trên những gian hàng này. Kết quả là đa số gian hàng dạng này đều là gian hàng trống, không có thông tin gì về chủ gian hàng cũng như sản phẩm cần bán.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tình trạng nhiều website thực hiện hành vi lừa đảo bán hàng đa cấp qua mạng, một lãnh đạo của Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, sau khi được cấp, nếu sử dụng tên miền để mở sàn giao dịch thương mại điện tử, thì phải xin cấp đăng ký của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin. Tức là có tới hai đơn vị tham gia quản lý hai công đoạn cụ thể của việc này, tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, tên miền chỉ là công cụ, cũng giống như việc nhìn vào biển số xe, cơ quan quản lý sẽ biết được chủ nhân chiếc xe đó là ai, nhưng chủ nhân chiếc xe sử dụng chiếc xe đó vào mục đích gì thì người sử dụng xe phải chịu trách nhiệm. Việc cấp đăng ký không phải là một sự đảm bảo về uy tín của doanh nghiệp hay chất lượng của hàng hóa, dịch vụ quảng bá trên website.

Có lẽ, chẳng phải đợi đến khi cơ quan công an quận Long Biên (TP. Hà Nội) tiến hành bắt giữ 5 nghi can vụ lừa đảo xuất phát từ vụ việc trên, những người đăng ký đi du lịch mới biết là họ bị lừa. Nếu như họ chịu đọc kỹ các khuyến cáo của các cơ quan chức năng và nếu như họ không có lòng tham... Và tất nhiên, thêm nhiều điều “nếu như” nữa, chắc chắn sẽ chẳng có tới 87.000 mã số ID trên mạng kinh doanh của Lâm Phúc Hùng và đồng bọn.

Theo Baodautu

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm