Thương mại điện tử và niềm tin của người tiêu dùng

04/08/2012

Tại Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)

Thương mại điện tử và niềm tin của người tiêu dùng

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo "Trao đổi dữ liệu cá nhân xuyên biên giới và vai trò của các tổ chức gắn nhãn uy tín."

Hội nghị là dịp để doanh nghiệp trong nước cũng như người tiêu dùng có cái nhìn đúng đắn hơn về công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt trong môi trường mạng.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa, thông tin được xem như huyết mạch của doanh nghiệp và quốc gia. Vì thế, việc có nguồn thông tin chính xác và kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả hơn, nâng cao sức cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu ngày càng khắc nghiệt.

Do đó, việc đảm bảo thông tin được trao đổi liên tục trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế là hết sức quan trọng để thúc đẩy thương mại phát triển.

Theo ông Linh, thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là Internet, các giao dịch thương mại điện tử tăng mạnh, khối lượng thông tin trao đổi ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, những vi phạm liên quan đến thông tin cá nhân cũng ngày một nhiều hơn, gây tâm lý e ngại cho cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch thương mại điện tử.

Bà Daniele Chatelois, Chủ tịch nhóm Bảo vệ dữ liệu cá nhân APEC cho biết xác định được tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân trong việc phát triển thương mại điện tử toàn cầu, các Bộ trưởng APEC đã phê chuẩn nhiều văn bản hướng dẫn, điều chỉnh vấn đề này, nổi bật là "Những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử của APEC" và "Chương trình Người tìm đường cho vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trong APEC" năm 2007.

Trong đó, "Hệ thống các quy tắc trong trao đổi dữ liệu cá nhân xuyên biên giới" được xác định là vấn đề cốt lõi tối đa lợi ích của công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, vai trò của các tổ chức gắn nhãn uy tín cũng được khẳng định là công cụ đặc biệt hữu hiệu trong cơ chế thiết lập, củng cố niềm tin đối với người tiêu dùng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử.

Đánh giá về bảo vệ thông tin cá nhân, bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng chính sách, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin nhấn mạnh Luật Giao dịch điện tử điều 46 ghi rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng cũng như cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hay thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình tiếp cận, kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Cùng đó, nghiêm cấm trao đổi mua bán các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử; sử dụng các phần mềm để thu thập địa chỉ điện tử khi không được phép của người sở hữu địa chỉ điện tử đó.

Đáng lưu ý, không trao đổi mua bán danh sách địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng danh sách điện tử nhằm mục đích gửi thư rác.

Bà Lại Việt Anh khuyến cáo theo điều 226 Bộ Luật hình sự về đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, nêu rõ trường hợp mua bán, trao đổi, tặng cho hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó sẽ bị phạt từ 10 đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đặc biệt, các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm./.

Theo Vietnam+

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm