Lại thêm DN Việt mất tiền vì thương mại điện tử

15/08/2012

Hám lợi, nghiệp vụ về ngoại thương hạn chế nên nhiều doanh nghiệp Việt vẫn bỏ qua cảnh báo của Bộ Công Thương để rồi bị lừa tiền khi giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt không nên tìm kiếm khách hàng châu Phi qua mạng Internet để tránh bị lừa.

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo về các trường hợp lừa đảo thương mại trên Internet tại khu vực Trung và Tây Phi như Nigeria, Ghana, Benin, Togo, Cameroon... thậm chí nêu đích danh các tổ chức, cá nhân lừa đảo ở khu vực này.

Thế nhưng, hôm qua - ngày 13/8/2012, Bộ Công Thương lại phải dẫn chiếu thêm 1 nạn nhân mới để cảnh báo cộng đồng doanh nghiệp. Một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ tại Việt Nam đã kết nối với một nhà cung cấp gỗ ở Cameroon có tên là Woodventure Group qua trangwww.ceblaza.nethồi tháng 7/2012. Theo hợp đồng, nhà xuất khẩu Cameroon sẽ cung cấp một khối lượng gỗ Tali logs rất lớn trị giá hơn 400.000 USD và công ty Việt Nam đặt cọc 10% giá trị hợp đồng. 90% còn lại thanh toán qua ngân hàng sau khi bên mua nhận được chứng từ gốc. Thời gian giao hàng trong vòng 2 tuần kể từ ngày nhận tiền đặt cọc nhưng sau khi nhận tiền hơn 1 tháng, nhà cung cấp gỗ vẫn chưa giao hàng và cắt đứt mọi liên lạc.

Cách đây 2 năm, một doanh nghiệp Việt Nam khác cũng bị lừa mất khoản tiền đặt cọc 11.000 USD khi giao dịch với một công ty xuất khẩu gỗ tại Cameroon có tên là Savanna Wood. Mặc dù đã được Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc cảnh báo về nguy cơ bị lừa đảo và được khuyến cáo chấm dứt giao dịch với nhà cung cấp gỗ của Cameroon song doanh nghiệp Việt Nam vì tham hợp đồng "hời" vẫn liên hệ giao dịch nên đã bị sập bẫy.

Bộ Công Thương cho biết, hình thức lừa đảo phổ biến của các đối tượng ở châu Phi là "vẽ" ra hợp đồng có lợi cho doanh nghiệp Việt rồi yêu cầu đặt cọc hoặc trả trước những chi phí như: phí nhập khẩu, phí giao dịch, phí trúng thầu, phí bảo lãnh hợp đồng của Bộ Tư pháp, Tòa án tối cao... Sau khi nhận được tiền, đối tượng cắt đứt ngay mọi liên lạc với doanh nghiệp Việt. Các nạn nhân chỉ biết tới đối tác qua website thương mại điện tử, trao đổi giao dịch qua thư điện tử nên khi "nếm trái đắng" chỉ biết kêu trời!

Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp không nên tìm khách hàng qua Internet vì các đối tượng tại Châu Phi thường sử dụng hình thức quảng cáo trên Internet, lợi dụng kẽ hở của TMĐT làm công cụ tiếp cận để lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam.

Để tránh "nối dài" danh sách nạn nhân bị xù tiền, doanh nghiệp Việt có thể "lận lưng" 2 kinh nghiệm nhỏ:

Thứ nhất, nhiều quốc gia ở khu vực Trung và Tây Phi sử dụng tiếng Pháp (trừ Nigeria, Ghana, Zambia và Liberia) và tất cả văn bản chính thức được soạn thảo bằng tiếng Pháp, ngay cả tại các tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế có trụ sở tại đây. Do vậy, nếu văn bản hành chính (giấy phép kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu) viết bằng tiếng Anh thì đó có thể là hành vi lừa đảo.

Thứ hai, phong cách kinh doanh của các đối tác châu Phi là gặp mặt và trao đổi trực tiếp, tận mắt nhìn thấy hàng hóa trước khi quyết định mua hàng, hình thức giao dịch thông qua TMĐT chưa phổ biến và cơ sở hạ tầng của các nước châu Phi cũng chưa đáp ứng được cho hoạt động TMĐT. Nếu đối tác nào chỉ chấp nhận giao dịch thông qua Internet mà không gặp gỡ trực tiếp, nhiều khả năng là lừa đảo.

Theo ictnews

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm