Khắc phục “lỗ hổng” pháp lý để thương mại điện tử phát triển lành mạnh

24/08/2012

Trong vài năm gần đây, hoạt động TMĐT phát triển nhanh chóng, tự phát và thiếu hẳn sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.

Để khắc phục các "lỗ hổng" pháp luật về thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Công Thương, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định 57 về TMĐT vốn đã quá lạc hậu so với thực tế phát triển TMĐT Việt Nam.

Nhiều người cho rằng, đến lúc này, khi những vụ lình xình từ TMĐT diễn ra như MB24, thì việc xây dựng luật mới trở nên sốt sắng vẫn là "đuổi theo" thực tế. Trong vài năm gần đây, hoạt động TMĐT phát triển nhanh chóng, tự phát và thiếu hẳn sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Không khó để tìm thấy tại thời điểm này trên mạng vẫn đầy rẫy những mẩu quảng cáo trái luật, thậm chí là quảng cáo bán hàng cấm, rồi mua gian bán dối, lừa đảo… người tiêu dùng. Bởi vậy, Nghị định thay thế Nghị định 57 đang được kỳ vọng sẽ tạo nên "diện mạo" pháp lý mới cho hoạt động kinh doanh TMĐT.

Khi Nghị định mới được ban hành, có còn những quảng cáo bán các mặt hàng này?

Theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh dự kiến gồm các hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng phương tiện điện tử trong một khâu hoặc toàn bộ quy trình giao dịch. Hoạt động TMĐT chia làm hai nhóm chính là website TMĐT bán hàng và website cung cấp dịch vụ TMĐT, trong đó website cung cấp dịch vụ TMĐT lại chia thành ba loại: sàn giao dịch TMĐT, website đấu giá trực tuyến và website khuyến mại trực tuyến. Hiểu "nôm na", website TMĐT bán hàng giống như các cửa hàng đơn lẻ với một người bán và nhiều người mua, còn các website cung cấp dịch vụ TMĐT giống như trung tâm thương mại hoặc chợ điện tử, trên đó tập hợp nhiều người bán và nhiều người mua. Chủ sở hữu những website dạng này không trực tiếp bán hàng hóa và dịch vụ đầu cuối đến người tiêu dùng, mà chỉ đóng vai trò cung cấp môi trường để người mua và người bán gặp gỡ, kết nối nhu cầu và tiến hành giao dịch.

Dự thảo đưa ra nhiều quy định đặc thù với mỗi loại hình website khác nhau, như quy chế hoạt động của giao dịch TMĐT, hợp đồng dịch vụ khuyến mại và thông tin về hàng hóa dịch vụ được khuyến mại trên website khuyến mại trực tuyến, hay các yếu tố mang tính kỹ thuật của một quy trình đấu giá tiến hành trên website đấu giá trực tuyến.

Để đảm bảo cho hoạt động TMĐT lành mạnh, đúng luật, hàng loạt hành vi sẽ bị cấm, như: Cung cấp dịch vụ TMĐT thông qua một mạng lưới kinh doanh, tiếp thị, trong đó mỗi người tham gia phải đóng góp một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới (như kiểu kinh doanh của Cty CP đào tạo trực tuyến MB24, hay các dạng bán hàng đa cấp "nhập nhằng" vừa bị phát hiện gần đây).

Dự thảo cũng cấm lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin trên website TMĐT khi những chương trình này chưa chính thức được công nhận; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động TMĐT. Các hành vi vi phạm nghiêm trọng hoạt động TMĐT có dấu hiệu tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Trần Hữu Linh- Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cho rằng, dự thảo Nghị định TMĐT sẽ "định vị" lại thị trường TMĐT Việt Nam, có định hướng trung và dài hạn. Tuy nhiên, TS Hồ Thúy Ngọc, Trung tâm trọng tài VIAC lại cho rằng, với sự phát triển như hiện nay, thì trong thời gian không xa, TMĐT không chỉ dừng ở đặt hàng trực tuyến mà bao gồm cả mua hàng trực tuyến thì Nghị định này rất dễ trở nên lạc hậu vì mới giới hạn những quy định trong phạm vi đặt hàng trực tuyến. Còn theo luật sư Bùi Thanh Lam, Đoàn Luật sư Hà Nội thì một trong những vi phạm phổ biến trong TMĐT là vi phạm trong hoạt động thanh toán, nhưng dự thảo không hề có bất cứ đề cập nào đến các hành vi vi phạm này, nên cần được bổ sung.

Hoạt động TMĐT luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, người mua và người bán không gặp nhau, khác với hoạt động thương mại truyền thống và phần lớn còn xa lạ với người Việt Nam. Bởi vậy, một hành lang pháp lý chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch TMĐT là cần thiết, cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh thương mại trực tuyến để nâng cao chất lượng kinh doanh, tận dụng được ưu việt của hoạt động này.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã xây dựng chương trình chứng nhận website TMĐT (safeweb). Safeweb sẽ đánh giá uy tín và các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí đánh giá theo thông lệ quốc tế như: Sản xuất, kinh doanh phát triển lành mạnh, có uy tín với khách hàng, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành sẽ được cấp chứng nhận website TMĐT uy tín. Safeweb sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn doanh nghiệp uy tín để tham gia giao dịch.

Theo PLXH

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm