Hàng trăm người “sập bẫy” sàn giao dịch thương mại điện tử

10/07/2012

Hàng trăm người (phần lớn là công nhân) bị “sập bẫy”, mất hàng tỉ đồng nộp cho Cty Đ.H.P đóng tại đường Thủ Khoa Huân, phường An Thạnh, thị xã Thuận An - Bình Dương để mở gian hàng “ảo” trên trang thương mại điện tử.

Hàng trăm người “sập bẫy” sàn giao dịch thương mại điện tử

Anh Lâm Văn Hợp và chị Trương Thị Hường đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương.

Chiến lược kinh doanh “như mơ” của Cty Đ.H.P vạch ra khiến hàng trăm người lao vào đóng tiền và trở thành nạn nhân của các tay bịp bợm.

Những lời hứa hấp dẫn...

Sáng 9.7, Công an thị xã Thuận An cho biết, đã tiếp nhận đơn tố cáo của hàng chục người liên quan đến hành vi nói trên.

Từ thông tin tuyển dụng tại các trung tâm giới thiệu việc làm ở Bình Dương, Trương Thị Hường - 23 tuổi, quê ở Nghệ An - biết đến Cty Đ.H.P cần tuyển nhân viên, công việc không bị gò bó với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Hường cho biết, khi gặp Giám đốc Đ.V.T chi nhánh Cty này giới thiệu về một đề án thương mại điện tử, hiện Cty đổ vốn điều lệ hơn 10 tỉ đồng để phát triển hệ thống thương mại điện tử.

Giám đốc T chứng minh Cty Đ.H.P có địa chỉ trang web nằm trong hệ thống trang mạng bán hàng có tiếng Gobay.com - nơi Cty Đ.H.P đang làm cầu nối trực tiếp với các nhà sản xuất, mục đích đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa trên mạng. Giám đốc T ân cần: “Thấy tụi em cần việc anh mới giải thích để tụi em hiểu rõ, chứ đâu phải ai tụi anh cũng nhận” - T cho biết.

Điều kiện để trở thành nhân viên Cty Đ.H.P là phải đóng 2,8 triệu đồng (gọi lại tiền chi phí trở thành hội viên) và được mở “sàn” gian hàng trên mạng. Ông T hứa “nếu sau này không muốn làm việc sẽ rút lại tiền, chỉ mất phí 100.000 đồng làm thẻ”. Sau khi đóng 2,8 triệu đồng, được Cty Đ.H.P quy đổi ra thành 280 (T) (tiền điện tử) trên gian hàng điện tử (10.000 đồng = 1 T) và lập được một gian hàng.

“Nếu người giới thiệu đóng 2,8 triệu đồng thì người trực tiếp giới thiệu được Cty Đ.H.P trích lại hoa hồng 600.000 đồng, còn nếu giới thiệu được một người tham gia mở trang web với chi phí 6 triệu đồng thì được hưởng 1,5 triệu đồng” - giám đốc T nói.

Hấp dẫn hơn, Cty còn đưa ra một loạt chính sách ưu đãi như cấp thẻ ATM đa năng, 1 thẻ mua sắm giảm 20% và 1 thẻ du lịch giảm 100%/1 lần/tháng ở Đà Lạt... Chưa hết, nếu trở thành nhân viên VIP 3 lần (mỗi VIP 58 người) thì Cty hỗ trợ 16 triệu đồng tiền mặt mua laptop. Trở thành 8 VIP thì cho ngay 50 triệu đồng mua xe và 12 VIP thì được một ngân hàng hỗ trợ 500 triệu đồng vay không chịu lãi suất để mua căn hộ.

Lúc đầu, Hường đóng ngay 2,8 triệu đồng mở sàn gian hàng đầu và được Cty cấp chứng nhận ngày 15.2.2012 do giám đốc N.T.K ký tên. Từ tháng 2 đến tháng 7.2012 - sau hơn 5 tháng làm việc, Hường chỉ có nhiệm vụ đi kêu gọi những người khác tham gia mở sàn để hưởng hoa hồng. Hường giới thiệu cho 20 người, mỗi người đóng 2,8 triệu đồng vào Cty Đ.H.P.

Thấy công việc thuận lợi, Cty khuyên mở đến 4 sàn (gian hàng) với mỗi sàn đóng 2,8 triệu đồng để tăng thêm thu nhập. Đến nay, 20 người do Hường giới thiệu còn lôi kéo thêm 28 người khác cùng tham gia đóng tiền mở gian hàng. Sau khi tham gia đóng 2,8 triệu đồng thì được Cty Đ.H.P lập cho một “nickname” và “password” theo sự tùy thích của hội viên để tiện đăng nhập vào sàn. Đến nay, hệ thống “sàn điện tử” do Hường giới thiệu tổng cộng lên đến 48 người.

Ngoài Hường, hệ thống của anh Lâm Văn Hợp cũng dính vào “bán hàng ảo” trên trang mạng của Cty Đ.H.P. Đến nay, anh Hợp đã kêu gọi 14 người dính “bẫy”. Khủng hơn, hệ thống “sàn thương mại điện tử” do anh Lê Văn Quý kêu gọi có đến 50 người tham gia, trong đó có nhiều người đóng tiền mở trang web lên 6 triệu đồng/người, giờ cũng đang rơi vào hoàn cảnh điêu đứng “tiền mất tật mang”.

Dấu hiệu lừa đảo

Hường cho biết “Em càng làm, càng nhận ra việc làm của mình thiếu thực tế. Những người em giới thiệu họ mất tiền, chửi em thậm tệ”. Hường mở đến 4 sàn, đóng cho Cty hơn 10 triệu đồng, chưa tính tiền làm cổ đông 20 triệu, ước thiệt hại khoảng 20 triệu đồng, chưa tính 5 tháng làm không công.

Qua ghi nhận của chúng tôi, mấy ngày qua, trò bịp bợm của Cty Đ.H.P càng lộ rõ, nhưng vẫn còn nhiều người do thiếu hiểu biết nên tiếp tục đóng tiền để mở gian hàng trên trang thương mại điện tử “ảo” của Cty này. Theo anh Lê Văn Hợp cho biết, sáng 9.7 CA thị xã Thuận An đã tiếp nhận đơn tố cáo của hàng chục nhân viên của Cty Đ.H.P. Chiều 9.7, CA bắt đầu lấy lời khai để làm rõ vụ việc.

Trao đổi với phóng viên, trung tá Võ Văn Hồng - Phó Trưởng CA TX.Thuận An - cho biết, nhiều công nhân ít hiểu biết về pháp luật, không nắm rõ thông tin kinh doanh trên mạng điện tử như thế nào nên dễ bị lừa gạt. “Hiện vụ việc đang được CA nắm bắt để làm rõ” – ông Hồng cho hay.

Trung tâm Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cũng xác nhận việc hàng trăm người đóng tiền triệu mở sàn trên mạng, với chiêu thức kinh doanh bán hàng “ảo” là hành vi lừa đảo thấy rõ.

Theo laodong

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm