Dịch vụ càng hiện đại, càng lo mất an toàn

24/02/2012

Viễn thông đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực, tạo ra nhiều tác động tích cực, song cũng đặt ra những vấn đề lớn về an ninh bảo mật. Làm sao để tạo dựng được niềm tin trong việc sử dụng các dịch vụ hiện đại?

Theo thống kê, cả nước hiện có 90.000 dịch vụ công điện tử đã được cung cấp; các dịch vụ thuế điện tử, hải quan điện tử đang được triển khai; chứng minh thư điện tử đã được triển khai thí điểm từ năm 2011 và dự kiến 2013 sẽ thí điểm hộ chiếu điện tử. Đối với lĩnh vực TMĐT và thanh toán trực tuyến, cả nước hiện có 33 triệu thẻ ngân hàng, 12.000 máy ATM và hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán (POS).

Sự thâm nhập sâu rộng của CNTT- viễn thông vào đời sống mang lại nhiều lợi ích, nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề về an ninh bảo mật. Làm sao để đảm bảo an toàn thông tin khi đưa các thông tin, ứng dụng, dịch vụ lên mạng Internet? Làm sao để bảo vệ người dùng khỏi các nguy cơ lừa đảo trực tuyến? Trong năm qua, người dùng đã chứng kiến nhiều vụ tấn công vào các trang web của Chính phủ, các hình thức lừa đảo bằng tin nhắn SMS, email, yahoo chat, website… Những thực tế đó đang khiến người dùng e ngại sử dụng các dịch vụ trực tuyến.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, ứng dụng điện toán đám mây đang nổi lên như một xu hướng giúp giúp tăng cường tính linh hoạt, giảm thiểu chi phí quản lý và đầu tư cơ sở hạ tầng của các tổ chức. Tuy nhiên, làm sao để chuyển đổi sang hạ tầng đám mây thành công?

Hội thảo Cloud Computing and Security World 2012 dự kiến diễn ra tại Hà Nội từ 21 - 23/3/2012 sẽ là dịp để những người trong cuộc nhìn lại thực trạng triển khai an ninh bảo mật tại Việt Nam, cùng nhau tìm ra cách nào để tạo dựng được niềm tin đối với người dùng trong việc sử dụng các dịch vụ hiện đại.

Sự kiện sẽ do Cục Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần kỹ thuật - Bộ Công an; Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Bộ TTTT; Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng; và Tập đoàn dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức.

Các chủ đề chính sẽ được trao đổi tại Hội thảo lần này bao gồm: GRC, tiêu chuẩn hóa và đảm bảo tính tuân thủ, quản trị rủi ro, phục hồi sau thảm họa và tính liên tục của hoạt động, an ninh đám mây, an ninh hệ thống, lưu trữ và quản lý dữ liệu, mật mã, chữ ký số và xác thực, bảo mật POS, bảo mật ATM, quản trị nhận dạng và kiểm soát truy cập...

Theo PCworld

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm