“Đạo quân ảo” thách thức toàn cầu

18/01/2012

Tờ Guardian của Anh vừa đưa tin nhóm tin tặc Anonymous đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh cắp một loạt thư điện tử và thông tin thẻ tín dụng của các thành viên văn phòng Stratfor, đóng tại bang Texas (Mỹ) chuyên cố vấn an ninh và chính sách đối ngoại cho Chính phủ Mỹ. Khoảng 221 tướng lĩnh quân đội Anh, 242 thành viên NATO là nạn nhân của vụ tin tặc này và 19.000 địa chỉ điện tử của quân đội Mỹ cũng bị đánh cắp.

Vụ việc cho thấy cộng đồng hacker đang dần trở thành một thế lực mới có khả năng thách thức chiến lược toàn cầu.

Các "chiến binh" vô chính phủ

Trước cuộc tấn công Stratfor, cộng đồng hacker đã can thiệp vào nhiều sự kiện khác nhau, điển hình nhất là làn sóng nổi dậy trong thế giới Arab.

Nhóm hacker Telecomix và Anonymous đã tiến hành các hoạt động giúp người dân Syria tự do truy cập internet. "Chúng tôi không phải là một tổ chức hay hiệp hội chính thống. Chúng tôi chỉ muốn làm một điều, là giúp mọi người thể hiện được quan điểm của mình" - một thành viên của Telecomix tiết lộ và cho hay nhóm chỉ hành động để bảo vệ sự tự do cá nhân, tự do ngôn luận.

Khi Bộ Nội vụ Pháp thông báo muốn dùng quyền hạn để đóng trang Copwatch, chuyên đả kích lực lượng cảnh sát và hiến binh của nước này, ngay lập tức hai nhóm hacker trên đã phản ứng bằng cách xây dựng các trang web nghi binh, hòng đánh lạc hướng các ý định phong tỏa của nhà chức trách.

Tuy nhiên, cái được gọi là "bảo vệ tự do ngôn luận trên Internet" đôi khi lại dẫn tới những "cuộc đấu đá" ngay trong nội bộ cộng đồng hacker. Ngày 14/11/2011, nhóm hacker Voxel Project đã tấn công trang web của đài BFM-TV để bày tỏ thái độ thù địch với nhóm tin tặc quốc tế Anonymous và đe doạ sẽ công bố tên của những người lãnh đạo Anonymous.

Voxel Project còn ra tuyên bố cho biết: "Chúng ta không thể chịu được việc một nhóm như Anonymous tìm cách áp đặt suy nghĩ của họ và phong toả bất kỳ trang web nào họ muốn. Không ai có quyền áp đặt cách nghĩ của mình và ngăn không cho hàng triệu người khác tiếp cận với thông tin".

Điều này cũng cho thấy cộng đồng hacker không đoàn kết, có nhiều tư tưởng đối lập nhau. Một số thiên về sứ mệnh "người trông coi", bênh vực tự do cá nhân và tự do ngôn luận trên Internet. Số khác lại coi hành động của họ là một cách phản ứng với quyền lực của các chính phủ.


Các thành viên lực lượng hacker Anonymous phô trương lực lượng ở Tây Ban Nha

Đạo quân có sức tàn phá khủng khiếp

Từ vài tháng trở đây, một số cộng đồng hacker đã trở nên cấp tiến hơn, với hàng loạt các vụ "nổi loạn mạng". Các hacker không do dự khi tiến hành đe dọa, thậm chí phá hủy hoặc đánh cắp thông tin nhạy cảm liên quan đến an ninh cấp nhà nước. Họ tổ chức các cuộc tấn công bằng cách làm cho máy tính từ chối cung cấp dịch vụ. Đây là loại hình tấn công rất được các hacker ưa dùng và chỉ cần sử dụng các phần mềm đơn giản.

Được biết đến nhiều nhất là LOIC (Low Orbit Ion Cannot), một chương trình cho phép lập lượng lớn kết nối đồng thời dẫn đến máy chủ bị tấn công, khiến nó trở nên quá tải và từ chối cung cấp dịch vụ truy cập.

Nhiều nhóm hacker cũng kiểm soát hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn máy tính zombie (tin tặc bí mật đột nhập vào máy tính nạn nhân và sử dụng nó vào các hành vi tội ác trong khi người chủ thực sự của chiếc máy tính vẫn không hay biết gì). Các chuyên gia ước tính hiện trên thế giới có khoảng 250 triệu máy tính zombie. Sức tấn công của chúng lớn gấp 50 lần so với mạng máy tính được sử dụng trong chương trình SETI chuyên nghiên cứu về những tín hiệu từ ngoài trái đất.

Đội quân "ảo" này có thể gây thiệt hại lớn hơn nhiều so với một vụ tấn công quân sự thông thường, trong vài giờ có thể phá hủy hệ thống thông tin liên lạc của một nước, thậm chí là của nhiều nước. Không máy chủ nào an toàn trước các vụ tin tặc, bởi theo các hacker, mọi thứ kết nối Internet đều có nguy cơ bị tấn công.

Hơn thế nữa, các hacker còn mạnh hơn do lợi thế nặc danh. Nặc danh đã trở thành biểu tượng của nhóm tin tặc quốc tế Anonymous thành lập năm 2003. Sử dụng mặt nạ Guy Fawkes làm biểu tượng (Guy Fawkes là kẻ xúi giục mưu sát vua Anh James Đệ nhất theo Thanh giáo), Anonymous cũng chính là thủ phạm gây ra nhiều vụ tấn công trên mạng quy mô toàn cầu.

Một thành viên miêu tả nhóm "là một cộng đồng toàn cầu chắp vá về xã hội, hệ tư tưởng và văn hóa". Anonymous thường tấn công vào các mục tiêu nhạy cảm như vụ đánh phá hệ thống tin học của Booz Allen Hamilton, công ty tư vấn làm việc cho Lầu Năm Góc, hồi tháng 7/2011. Không chỉ dừng ở các vụ tấn công nhằm vào chính phủ, Anonymous còn đấu tranh tấn công chống lại Giáo phái Scientology, các trang web lạm dụng tình dục trẻ em. Tuy vậy, không phải tất cả hành động của Anonymous đều được cộng đồng hacker đón nhận, một số hacker cho rằng nhiều thành viên của Anonymous chỉ biết sử dụng máy tính do người khác sản xuất, không biết lập chương trình, họ nguy hiểm như những tài xế xe tải không có bằng lái, không biết đâu là bàn đạp phanh.

Hiện tin tặc đang phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu sinh lời của một cá nhân hay tổ chức tội phạm nào đó. Không ít hacker trở thành "lính đánh thuê trên mạng" với nhiệm vụ do thám mạng, tội phạm mạng, thậm chí là "phần tử khủng bố mạng".

Thương mại điện tử gia tăng mạnh khiến không ít hacker dòm ngó. Một hacker thú nhận việc bán các dữ liệu mật đánh cắp được từ các trang mua bán trực tuyến có thể giúp anh ta bỏ túi trăm ngàn tới cả triệu USD.

Một số hacker tấn công máy chủ của những công ty lớn, ăn cắp thông tin rồi đem bán lại cho đối thủ cạnh tranh. Được biết khoảng 80% các công ty trên thế giới là nạn nhân của gián điệp tin học mà không hề hay biết. Một số công ty còn trở thành nạn nhân của tình trạng tống tiền trên không gian mạng, khi hacker đe dọa tấn công các máy chủ của họ và đòi trả tiền "bảo kê".

Nguy cơ khủng bố mạng

Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia an ninh lo ngại nhất là tin tặc có thể phát động các cuộc khủng bố trên mạng. Hàng loạt kịch bản đã được đưa ra, trong đó tin tặc tấn công các mạng viễn thông, nhà máy cung cấp nước hoặc điện, hệ thống giao thông, các mạng giao dịch tài chính...

Thực tế đây không còn là chuyện viễn tưởng. Mới đây, cơ quan quản lý nước sinh hoạt của bang Illinois (Mỹ) đã là nạn nhân của một vụ tấn công tin học xuất phát từ Nga. Tuy vụ tấn công không gây ra tổn thất lớn về hoạt động của cơ sở này, nhưng nó được xem như thông điệp cảnh báo cho giới an ninh. Một báo cáo mật cũng cho biết vụ mất điện trên diện rộng hồi năm 2003, khiến hàng triệu người dân Bắc Mỹ bị ảnh hưởng và gây tổn thất 6 tỷ USD, là hậu quả từ một vụ tin tặc.

Ông Nigel Inkster, chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế London (IISS), đã tỏ ra quan ngại trước khả năng các hacker có thể làm thuê cho những tổ chức khủng bố. Những người như ông tin rằng thế giới ảo có thể gây xáo trộn căn bản cách hành xử và làm thay đổi thế giới quan của mỗi người. Với mỗi hành động có thể gây ra ảnh hưởng rất rộng, cộng đồng hacker đang trở thành yếu tố quan trọng trong bức tranh an ninh, nên cần phải tính đến họ khi phân tích các thách thức chiến lược lớn hiện nay.

Theo Thethaovanhoa

Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm