Loạn quảng cáo trực tuyến

So với các loại hình quảng cáo (QC) truyền thống (QC ngoài trời, trên báo, sóng phát thanh, truyền hình…)

QC trực tuyến trên mạng internet được đánh giá là ưu việt hơn, nhưng loại hình QC này cũng đang phát sinh nhiều vấn đề thách thức khả năng quản lý của cơ quan chức năng và cả sức chịu đựng của công chúng.

CƯỠNG BỨC XEM QUẢNG CÁO

Độc giả của các website, diễn đàn, báo điện tử… từ lâu đã quen thuộc với hình ảnh của những banner, logo (hoặc tế nhị như Google chỉ là vài dòng văn bản) nằm cạnh măng-sét, chân trang, nép một góc trên màn hình. Đôi khi chúng cũng được đặt giữa các thành phần nội dung, hoặc tự động mở lên nhưng trong hầu hết trường hợp đều không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc theo dõi nội dung trang web. Nếu có, cũng chỉ là chút khó chịu với những hình ảnh động chớp tắt hoặc kích thước quá to chiếm phần lớn màn hình, dung lượng lớn ảnh hưởng đến tốc độ nạp dữ liệu, chi phí băng thông hàng tháng. Một chút khó chịu của cộng đồng cũng đủ để các lập trình viên ra tay. Những phiên bản cập nhật của hầu hết các trình duyệt phổ biến như FireFox, Google Chrome, Safari, một phần Internet Explorer đều được tích hợp sẵn hoặc cho phép người sử dụng cài đặt thêm tính năng ngăn chặn, lọc QC. Ngay khi người sử dụng truy cập một trang web, trình duyệt sẽ loại bỏ các banner, pop-up, logo QC trước khi tải nội dung trang web về máy.

Đương nhiên, chủ nhân các website, các nhà QC không dễ chịu thua. Nhiều trang web được lập trình để mỗi khi độc giả bước vào sẽ bị buộc phải xem QC dưới dạng các thành phần nội dung mà nếu họ bấm nút tắt thì liên tiếp nhiều trang QC khác sẽ được mở ra. Một số website còn tệ hại đến mức không cho phép độc giả tắt QC hoặc chỉ xem được nội dung sau khi nội dung QC đã được bật lên một khoảng thời gian nhất định. Trên …phim.vn, dân mạng sẽ không thể xem phim nếu chưa xem hết phần QC gắn vào ngay đầu phim. Nhiều trang chống lại bộ lọc của trình duyệt bằng cách lập trình để trình duyệt buộc phải xem QC của họ là nội dung và độc giả hoặc phải chấp nhận sống chung với QC hoặc rời khỏi website vì không thể xem được gì. Một số trang còn dùng cách đánh lừa độc giả bằng cách cung cấp những liên kết như “bấm vào đây để download”, “bấm để xem tiếp” nhưng phần lớn lại dẫn đến nội dung QC, cá biệt còn dẫn đến các trang tải virus, phần mềm độc hại.

Những hình ảnh quảng cáo của S. bị cộng đồng mạng phải gắn nhãn "18+"

QC trên các website lớn, uy tín với khách hàng QC cụ thể dẫu sao cũng còn dễ chịu. Trên những trang do cá nhân lập ra, vì không tự tìm được khách hàng nên đã sử dụng lượng khách do các bên thứ ba cung cấp. Kết quả là trên những trang ấy, mỗi khi người dùng truy cập một nội dung, họ bị buộc phải chờ năm giây để xem cho hết QC, dù rằng phải đến 10.000 lượt xem như thế thì chủ trang web mới nhận được 5 USD. Đương nhiên khi dùng dịch vụ trung gian, không ai có thể kiểm soát được cái gì sẽ được chuyển tiếp đến khách hàng. Từ game bạo lực đến dịch vụ cá cược… cứ thế tấn công khách hàng - những người tìm thông tin trên mạng.

BÁT NHÁO NỘI DUNG

Những mẫu QC dụng cụ tình dục, thuốc kích dục, dịch vụ mại dâm… nhan nhản trên internet đã là chuyện thường ngày và dù rất công khai, dễ thấy, chúng vẫn được coi là QC lén lút. Loại hình QC bùng phát gần đây là các video clip giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm với sự tham gia của giới nghệ sĩ, do những ê-kíp chuyên nghiệp thực hiện. Nhiều clip được đầu tư công phu cả về chất lượng hình ảnh lẫn ý tưởng thu hút khách hàng. Tiếc thay, những ý tưởng ấy đều chỉ tập trung vào vẻ khêu gợi, ngôn từ thông tục, bất chấp các chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật. Một phần lớn những clip khác được xếp vào nhóm “QC nhảm” vì sự ngớ ngẩn, bậy bạ của chúng.

Sẽ không có bất kỳ lời giải thích nào có thể được chấp nhận với đoạn clip thầy trò Đường Tăng đi thỉnh… bao cao su. Dù Trà Ngọc Hằng, Trần Thanh Sơn, Don Nguyễn có biện minh cách nào đi nữa (động tác nhiều người gọi là để PR bản thân hơn là sự thành khẩn) thì hình ảnh “nghệ sĩ” của họ trong mắt công chúng đã giảm đi đáng kể khi trên clip chỉ là những hình ảnh khoe thân, diễn xuất lệch lạc giới tính mà đỉnh điểm là màn “liếm kem đồng tính” - hình ảnh khiến chính những người đồng tính cũng thấy phẫn nộ. Bộ lịch online và đoạn clip hậu trường của Ngọc Trinh, Hoàng Yến, Yến Trang QC cho nước giải khát S. trở thành căn cứ để công chúng đánh giá tầm vóc nghệ sĩ của họ - những người làm nghệ thuật hay kiếm sống rẻ tiền khi mặc những bộ trang phục mỏng dính, phơi bày nội y, mím môi, liếm chai… không khác mấy những thước phim JAV (phim khiêu dâm Nhật Bản).

Đoạn clip QC thực phẩm chức năng K. ngay khi được đưa lên mạng Youtube đã hứng chịu một cơn mưa “không thích” và những lời xỉ vả của cộng đồng mạng bởi trong clip ấy là hình ảnh những người đàn ông hờ hững với gối chăn đã hoàn toàn biến đổi nhờ có K. Đỉnh điểm của sự ngớ ngẩn trong clip nằm ở nội dung (hát) giới thiệu - thuốc dán chân nhưng có thể trị hôi chân, hôi nách, đau nhức, khó ngủ, mệt mỏi… Clip QC gà rán K. đưa hình ảnh những quán ăn vỉa hè chạy công an, thực khách bị xe tải té nước bẩn lên người để QC cho bữa ăn giá rẻ...

Trong đoạn clip QC bánh ngọt C. được xếp vào hàng “nhảm nhất Việt Nam”, ba cô gái trẻ lập tức lẽo đẽo đi theo một chàng trai chỉ vì chàng có vẻ ngoài bảnh bao rồi ngay lập tức bỏ chàng đẹp trai đi theo một chàng khác để xin ăn. Phụ nữ Việt Nam trong mắt của công ty O. là thế sao?

Làm QC tức là làm văn hóa, nhưng qua những đoạn clip đang từng ngày được phát tán, có thể thấy nền tảng văn hóa của nhiều doanh nghiệp và nghệ sĩ không cao. Theo các quy định về hoạt động QC, từ nội dung đến hình thức của một QC bất kỳ đều phải được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép nên có lẽ vì biết rõ việc mình làm sẽ không thể được cấp phép, người ta đã tự cho phép xé rào bằng cách tung lên mạng. Câu hỏi là sao không thấy các cơ quan chức năng xử lý tình trạng trên?

Theo phunuonline


Like Topit.vn
Tin mới
 
Tin liên quan
 
Bài xem nhiều
 
Tiêu điểm