Bút cảm ứng hồi sinh

21/02/2012

Thiết bị Galaxy Note cùng chiếc bút cảm ứng S Pen có thể sẽ mở ra một giai đoạn cho các mẫu smartphone, máy tính bảng dùng bút quay trở lại.

Sự xuất hiện của Samsung Galaxy Note với công nghệ bút S Pen đang gây sự chú ý mới cho người người dùng. Ryan Bidan, Giám đốc Tiếp thị Sản phẩm của Samsung, cho biết, hãng sẽ tiếp tục trang bị S Pen cho các thế hệ máy tính bảng tiếp theo, cùng với công nghệ nhận diện chuyển động 3D. "Việc sử dụng bút cho các loại smartphone và máy tính bảng sẽ có ý nghĩa khi các hãng đang trình làng vô số thiết bị với các kích cỡ màn hình khác nhau”, Bidan nhận định.

Quay trở lại thời điểm các máy tính bảng đầu tiên xuất hiện, bút kỹ thuật số (“digital” hay “stylus”) từng là một trong những tính năng rất hấp dẫn. Hơn 2 thập kỷ trước đây, Microsoft từng giới thiệu hệ điều hành Windows cho máy tính dùng bút (Windows for Pen Computing). Sau đó, các hãng như IBM, Toshiba, Fujitsu… cũng lần lượt giới thiệu nhiều loại "máy tính bảng" có trang bị bút dạng này để nhập liệu cho máy tính. Tính năng của bút stylus này từng rất cần thiết, hỗ trợ người dùng khi mà những máy tính bảng thế hệ đầu tiên đều sử dụng màn hình cảm ứng điện trở (resisitive touch screen), đòi hỏi người dùng phải thực hiện thao tác ấn xuống màn hình. Tuy nhiên, khi đó, công nghệ này chỉ ở dạng sơ khai, nhận diện chữ viết tay còn quá thiếu chính xác và cũng không có đủ các ứng dụng để khiến người dùng bị hấp dẫn, trong khi giá thiết bị lại đắt đỏ.

Đến giữa những năm 2000, màn hình cảm ứng điện dung (capacitive touch screen) xuất hiện. máy tính bảng sử dụng công nghệ màn hình kiểu mới không còn đòi hỏi phải sử dụng các loại bút stylus để nhập liệu chính xác cho thiết bị nữa.

Năm 2010, Apple trình làng chiếc iPad đầu tiên sử dụng màn hình cảm ứng điện dung và không dùng bút stylus. Người sáng lập - CEO Apple là Steve Job từng cho rằng việc thiết kế kèm stylus sẽ không bao giờ giành được ưu thế trên thị trường.

Thời thế thay đổi?

Thế nhưng, có lẽ Steve Jobs đã phải nghĩ lại. Đúng là chỉ cần ngón tay cũng đủ để sử dụng các tính năng chính của máy tính bảng cảm ứng điện dung một cách thật thoải mái, nhưng khi thực hiện một số thao tác khác, chẳng hạn như vẽ hay viết chữ, dùng ngón tay sẽ không đạt được sự chính xác như mong muốn. Điều này có thể giải thích tại sao các nhà phát triển và các hãng thứ 3 đã cho ra nhiều ứng dụng cũng như sản xuất thêm bút stylus cho iPad. Hiện tại cũng đã có sẵn hàng chục ứng dụng loại này trên iTunes để người dùng iPad có thể dùng stylus để phác thảo, tô tranh, hay thậm chí là vẽ các tác phẩm hội họa kỹ thuật số.

Đến tháng 7/2011, chính Apple đã mua về bản quyền 2 phần mềm ứng dụng liên quan đến bút stylus dành cho màn hình cảm ứng điện dung và các loại bề mặt khác. Hồ sơ xin cấp bản quyền được Apple gửi đi từ đầu năm 2011 và sau đó được Cục Thương hiệu và Bản quyền Mỹ chính thức cấp phép. Một trong 2 bằng sáng chế này đề cập đến thiết kế stylus với một đầu dùng để điều khiển, và stylus có thể được sạc lại pin khi cài vào khe giữ bút trên thiết bị cảm ứng. Bằng sáng chế thứ 2 mô tả loại bút stylus có thể được dùng để viết trên bất kỳ bề mặt nào, thậm chí là sử dụng trên các thiết bị máy tính tách rời, giống như một bút thông minh của hãng Livescribe.

Giống như Apple, khi ra mắt máy tính bảng Galaxy Tab, Samsung đã bỏ qua công nghệ bút stylus. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong thiết kế của Galaxy Note, một thiết bị lai giữa máy tính bảng và smartphone. Cuối 2011, Samsung chính thức đưa Galaxy Note lên kệ tại nhiều quốc gia khác nhau. Với màn hình có kích cỡ 5,3-inch và một chiếc bút stylus đi kèm, Note mang đến một khả năng vận hành khá ấn tượng.

Có vô số ứng dụng hữu ích có thể được thực hiện với S Pen. Chẳng hạn, bạn có thể chụp bản đồ và sử dụng S Pen để đánh dấu chặng đường bạn định thực hiện cho chuyến đi; hay có thể chụp một bài báo và viết và đưa vào thêm các chú thích, đánh dấu ở những đoạn mà bạn quan tâm…

S Pen của Samsung cho thấy công nghệ bút stylus đã được cải tiến đáng kể. Thêm vào đó, cách xây dựng các ứng dụng cho S Pen cũng mang đến những bước tiến mới. Tháng 11/2011, Samsung đã chính thức giới thiệu bộ phần mềm cho phép các nhà phát triển thêm cách nhập liệu bằng S-Pen cho các ứng dụng của họ.

Samsung không phải là hãng duy nhất trong năm 2011 đưa stylus quay trở lại. Một nhà sản xuất điện thoại khác cũng đã thử nghiệm việc tung ra thiết bị có tích hợp bút stylus là HTC. Trong năm 2011, HTC đã trình làng sản phẩm máy tính bảng Flyer kèm bút stylus, đồng thời cung cấp một số ứng dụng để tận dụng những ưu điểm của loại stylus này. Tuy nhiên, bút stylus của HTC chưa thật sự đạt độ chính xác cao, lại thiếu chỗ cài bút nên dễ bị người dùng bỏ quên, theo Stephen Vilke, đồng sáng lập công ty di động Framehawk.

Các loại máy tính bảng dùng phiên bản Android mới nhất, Ice Cream Sandwich cũng dự định sẽ có hỗ trợ bút stylus. Chẳng hạn như nhà sản xuất Đài Loan Asus cũng đã tích hợp công nghệ bút kỹ thuật số này trở lại với thiết bị Eee Pad MeMO 7-inch mới ra mắt của mình. Còn Motorola cũng tìm kiếm chỗ đứng trong xu thế mới này khi trình làng với sản phẩm Droid XYboard.

Thế hệ máy tính bảng chạy hệ điều hành Windows 8 sắp ra mắt của Microsft cũng sẽ hỗ trợ cả việc nhập liệu bằng ngón tay và bút stylus kỹ thuật số. Đến nay, việc đưa bút stylus vào thiết kế còn được nhấn mạnh như một tính năng quan trọng cho máy tính bảng.

Tuy nhiên, tất cả các nhà sản xuất đều khá thận trọng trong cách thức giới thiệu và đưa sản phẩm này ra thị trường. Bên cạnh đó là các vấn đề kéo theo khác, chẳng hạn như mức giá và khả năng vận hành tổng thể của thiết bị…

Rõ ràng là, công nghệ stylus đã đi một chặng đường dài từ thời kỳ Microsoft giới thiệu nền tảng Windows cho máy tính dùng bút, cho đến S Pen của Samsung Galaxy Note. Nếu như Samsung và các nhà phát triển khác có thể tích hợp được những ứng dụng và các chức năng cho mẫu thiết bị cỡ lớn, có thể đây sẽ là một thị trường đầy tiềm năng mới.

Theo PCworld

Like Topit.vn

Tin mới
 
Tin liên quan
 
Tiêu điểm