Trí thông minh nhân tạo ngày càng được cải thiện, công nghệ robot không ngừng phát triển, trong tương lai robot sẽ trở thành một phần của xã hội loài người với khả năng thay thế con người trong nhiều công việc. Tuy nhiên, con người vẫn có những điểm mà trí thông minh nhân tạo (AI) chẳng thể nào học theo được.
Như đã nói ở trên, công nghệ robot đang phát triển nhanh chóng với những bước tiến lớn trong nhiều năm qua. Tuy thế, có những thứ mà công nghệ không thể (hoặc chưa thể) tạo ra, giống với 3 điều được liệt kê dưới đây. Phải lưu ý rằng, ngay cả một con người bằng xương bằng thịt cũng phải mất nhiều thời gian để rèn luyện những yếu tố này.
1. Sử dụng cảm giác để giải quyết các vấn đề lạ lẫm
Con người rất giỏi trong việc liên kết các thông tin và phân tích vấn đề khi rơi vào trường hợp mà họ chưa từng gặp phải. Toby Walsh, một giáo sư về khoa học máy tính tại Sở Thông Tin và Truyền thông Quốc gia Úc gọi khả năng này là "lý luận bằng cảm giác".
Đó là khả năng mà chúng ta dùng để "xem xét các tình huống chưa từng gặp phải và áp dụng các kiến thức có sẵn một cách linh hoạt để xử lý tình huống đó". Khả năng này đã được những nhà nghiên cứu về AI quan tâm từ lâu nhưng chưa tìm ra cách áp dụng vào robot.
Có thể giúp đỡ con người trong nhiều công việc, nhưng Robot không hề thông minh như chúng ta nghĩ
Một ví dụ về "lý luận bằng cảm giác". "Nếu chúng ta nghiêng 1 cái cốc thì nước sẽ đổ ra ngoài", con người có thể suy luận nguyên nhân và dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, trong trường hợp này thì kể cả là nước, đồng xu hay cát đều sẽ rớt ra khỏi chiếc cốc.
Các chương trình máy tính thì khó có thể dự đoán được các tình huống như vậy trừ khi nó được lập trình sẵn sẽ phản ứng ra sao khi gặp trường hợp tương tự. Theo Ernest Davis, một nhà khoa học máy tính đang làm việc tại Đại học New York, trí thông minh nhân tạo sẽ cần biết được hình dạng của cái cốc, chuyển động của nó, bề mặt tiếp xúc và hàng loạt các tính chất vật lý khác để đưa ra được phản ứng chính xác. Đó là tính toán, không phải dự đoán.
"Con người không cần những thông tin như thế, chúng ta chỉ cần biết nó là 1 chiếc cốc có nước, và không hề được đậy nắp, thế là quá đủ để biết cafe sẽ rớt xuống sàn nhà bạn", Davis nói với Tech Insider.
2. Có cảm xúc và hiểu được cảm xúc của người khác
Cảm xúc vẫn là đặc điểm riêng biệt của con người. Theo giám đốc nghiên cứu AI của Facebook, Yann Lecun, không hề có khả năng trong việc tạo nên cảm xúc thực cho robot, ngoài việc lập trình cho chúng.
"Chúng tôi có thể đưa lòng vị tha vào bộ nhớ của robot, giúp nó tỏ ra dễ chịu hơn khi tương tác với con người", Lecun nói. Nhưng những cảm xúc loại đó sẽ không xuất hiện đúng chỗ đúng lúc.
Chúng cũng không có khả năng để thể hiện sự đồng cảm chân thành và hiểu được cảm xúc của những người chúng đang chăm sóc hay làm việc cùng. Hiện nay đã có nhiều robot có khả năng cảm nhận được cảm xúc của con người, robot Pepper là một ví dụ.
Pepper là robot có khả năng hiểu được cảm xúc con người
Pepper được lập trình để đáp lại các cảm xúc khác nhau của con người, nhưng không thể hiểu được con người thực sự cảm thấy gì và có những hành vi phù hợp trong các trường hợp khác nhau. Đó là lý do tại sao sẽ không thể có các robot đảm nhiệm vị trí y tá, bởi đây là 1 nghề nghiệp đòi hỏi sự đồng cảm và khéo léo của con người.
3. Sáng tạo
Các trí tuệ nhân tạo có thể tạo nên các hình ảnh đẹp mắt, bắt chước phong cách của một nghệ sĩ nổi tiếng hay kết hợp những hình ảnh trên máy tính một cách máy móc. Nhưng để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đó là điều chỉ có con người mới làm được.
Sáng tạo về cơ bản là sự kết hợp giữa 2 yếu tố nói trên, tạo ra hình ảnh đẹp mắt và phải độc đáo chưa từng có. Bạn có thể áp dụng những kiến thức biết từ trước hoặc bị ảnh hưởng bởi người khác, nhưng vẫn yêu cầu những suy nghĩ mới do bạn tạo ra. Robot rất khó có thể tự tạo nên các suy nghĩ của riêng chúng, nên sự sáng tạo của robot là hoàn toàn không khả thi.
Robot chưa có khả năng sáng tạo hay làm nghệ thuật
AI đơn thuần chỉ là sản phẩm của những dòng lệnh và được lập trình một cách máy móc. Nó có thể xử lý và trả lời được nhiều tình huống nhưng không phải là tất cả, cũng như chẳng thể nghĩ ra những cái mới, theo quan điểm của Michael Osbourne, nhà khoa học máy tính tại Oxford.
"Bức tranh đó chắc chắn chỉ là một chuỗi thuật toán, không thể tìm được chút cảm xúc hay sự mới mẻ nào từ chúng", Osbourne nói. Trong tương lai điều này hoàn toàn có thể thay đổi, nếu chúng ta tìm ra cách giúp các robot có suy nghĩ tách biệt với những gì chúng ta lập trình, và từ giờ tới lúc đó, những người làm nghệ thuật có thể yên tâm không hề có "nghệ sĩ robot" nào đe dọa công việc của họ.