Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ camera ở các thiết bị di động là sự thoái trào của thị trường máy ảnh. Trước nguy cơ này, các hãng sản xuất máy ảnh hàng đầu đang ứng dụng những xu hướng công nghệ mới để làm mới sản phẩm của mình trong năm 2015.
Công nghệ máy ảnh được nhận định là đã đạt tới ngưỡng: vòng đời sản phẩm khá dài, nhu cầu người dùng không quá lớn. Người tiêu dùng bình dân thì đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng. Vậy điều gì khiến thị trường máy ảnh có thể tạo dựng lại lợi thế cạnh tranh mà các thiết bị di động không có?
Dòng máy Mirrorless - không gương lật trỗi dậy mạnh mẽ
Ở phân khúc tầm cao của các dòng máy thay được ống kính, một vài năm trở lại đây đang có sự đảo chiều giữa dòng máy ảnh có gương lật (DSLR) và dòng máy ảnh không gương lật (Mirrorless). Chất lượng và tính tiện dụng của dòng máy ảnh không gương lật không chỉ tạo ra thị trường rộng mở hơn cho ngành máy ảnh nói chung mà còn tạo ra sự chuyển dịch tiêu dùng từ người chơi máy ảnh dòng DSLR sang dòng mirrorless nhỏ gọn.
Với những ưu điểm “bẩm sinh” như kích cỡ nhỏ gọn, cấu trúc đơn giản giúp vận hành ổn định, giá thành thấp cùng một loạt thế mạnh công nghệ khác… dòng máy mirrorless đang hội đủ điều kiện để thay thế DSLR.
Ưu điểm của dòng máy ảnh DSLR là kích thước cảm biến lớn. Quan trọng hơn là chúng cho phép thay đổi ống kính qua đó mở rộng khả năng sáng tạo và nâng cao chất lượng hình ảnh. Những ưu điểm này đã giúp dòng máy ảnh DSLR giữ được vị trí độc tôn trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, đến khi mirrorless - dòng máy ảnh không gương lật, lắp ống kính rời và cảm biến kích thước lớn - xuất hiện, thì những chiếc máy DSLR chậm chạp và cồng kềnh nhanh chóng bị “tước vũ khí”
Ưu điểm của máy ảnh mirrorless là kích thước rất nhỏ gọn
So với máy ảnh DSLR, khác biệt lớn nhất của mirrorless là không có cấu trúc gương lật. Cơ cấu lật gương phạm vào các nhược điểm chí mạng như: gây rung chấn khiến độ nét giảm, hạn chế tốc độ chụp liên tiếp, cồng kềnh và quá nhạy cảm với các va đập, giá thành sản xuất cao…
Mặt khác, trong các ống kính hiện đại, nhà sản xuất sử dụng hệ thống nhiều thấu kính để tạo ra hiệu quả tiếp nhận ánh sáng tối ưu, loại bỏ hiện tượng quang sai để thu được hình ảnh chính xác. Trong khi đó, thiết kế máy DSLR rất khó loại bỏ hoàn toàn lỗi quang sai. Vì phải thu xếp không gian cho gương lật hoạt động nên khoảng cách từ thấu kính đến cảm biến bị nới rộng, dẫn đến quang sai càng lớn.
Vì không có gương lật, khoảng cách này trên máy ảnh mirrorless gần hơn rất nhiều so với DSLR, tức là quang sai cũng giảm đáng kể. Cũng vì không có gương lật, thiết kế máy mirrorless giành được ưu thế về sự gọn nhẹ, linh hoạt, chịu va đập, thao tác nhanh chóng, dễ dàng và giá thành hạ.
Công nghệ di động
Các hãng sản xuất sẽ tích hợp thêm tính năng di động vào máy ảnh như trang bị thêm
Wifi hoặc giao tiếp NFC. Hầu như các dòng sản phẩm mới đều sẽ được các hãng trang bị các tính năng này.
Mặc dù hiện nay các máy ảnh đã được tích hợp công nghệ kết nối vẫn chưa mang lại hiệu quả nào lớn bởi chất lượng kết nối chưa tốt, nhưng rõ ràng các hãng luôn nhận ra được tầm quan trong của sự phát triển mạng không dây. Trong năm 2015 này, máy ảnh sẽ sớm sử dụng sở hữu chuẩn kết nối Wi-Fi 802.11ac có tốc độ truyền tải nhanh hơn bên cạnh các chuẩn thông thường b/g/n.
Công nghệ di động không chỉ dừng ở việc kết nối mà việc tích hợp các ứng dụng cũng khiến việc sử dụng trở nên phong phú hơn. Các nhà sản xuất sẽ phải tập trung vào những ứng dụng như chỉnh sửa hay bộ lọc đơn giản trên máy ảnh - đây là bài học từ Instagram với hơn 300 triệu người dùng.
Máy ảnh tích hợp vào điện thoại
Công nghệ camera giúp điện thoại thông minh chụp ảnh tốt, nhưng công nghệ này có một số hạn chế cố hữu. Trong năm 2014, Sony đã tạo ra máy ảnh có thể tích hợp vào điện thoại. Những máy ảnh ống kính kiểu QX-series mang đến sự kết hợp tốt nhất của điện thoại thông minh với ông kính zoom chất lượng cao sử dụng cảm biến lớn của máy ảnh chuyên dụng. Đây có thể cũng chỉ là một trào lưu nhưng nó đã mở ra một hình thức kết hợp mới trong ngành công nghệ nhiếp ảnh.
Xóa nhòa ranh giới giữa máy ảnh và máy quay
Cho đến khi một vài năm trước đây, người dùng vẫn còn phân biệt rõ ràng giữa các máy ảnh (được sử dụng chủ yếu cho những bức ảnh tĩnh) và máy quay phim (chủ yếu cho video).
Máy ảnh bây giờ không chỉ cho phép ghi hình chất lượng HD, một số thậm chí còn đạt tới chất lượng 4K. Ngược lại, các máy quay được tích hợp nhiều tính năng của camera chụp ảnh.
Sự bùng nổ về dòng thiết bị hình ảnh 4K đã khiến định dạng video độ nét cao, sẽ được xuất hiện nhiều hơn trong các mô hình máy ảnh trong năm tới. Khả năng lưu trữ cao hơn cũng như giá thành sẽ giảm vào năm 2015, ví dụ như máy ảnh không gương lật của Samsung NX1 mới được giới thiệu gần đây hay loạt sản phẩm 4K của Panasonic hồi triển lãm Photokina 2014.
Mỗi khung hình của video có độ phân giải khoảng 8 megapixel, và các nhà sản xuất sẽ giúp người dùng có thể chọn lựa những hình ảnh tĩnh hoàn hảo, đây cũng là điểm có thể xóa đi ranh giới của máy quay và máy ảnh.
Sự bùng nổ của action camera
Những chiếc Action Camera nhỏ gọn, có thể đeo trên người ra đời để đáp ứng nhu cầu ghi hình mọi nơi mọi lúc như trong nhiều hoạt động: thể thao, du lịch…Action Camera có thể dễ dàng gắn bất kì đâu từ mũ bảo hiểm hoặc đeo trên người.
Theo Hoàng Oanh, đại diện của StreamCast Asia - nhà phân phối GoPro tại Việt Nam, thì xu hướng action camera đang ngày càng phát triển thị trường Việt Nam. So với cách đây chỉ mới 1 năm thì số người quan tâm đến dòng sản phẩm này đã tăng đột biến trong khoảng cuối năm 2014 đến nay.
Một phần do nhu cầu tham gia các hoạt động thể thao hành động, du lịch mạo hiểm (phượt) ngày càng tăng, mặt khác dòng action camera đáp ứng tốt yêu cầu của các đối tượng này trong việc ghi lại hình ảnh một cách dễ dàng với nhiều góc nhìn độc đáo, và cùng đó là chất lượng không thua kém các dòng máy chuyên nghiệp khác.
GoPro Hero 4 –một loại action camera đang phát triển tại thị trường Việt Nam
Action camera cũng bắt đầu được người tiêu dùng phổ thông quan tâm do tính gọn nhẹ, dễ sử dụng. Một điều quan trọng nữa là với xu hướng phát triển công nghệ liên tục như hiện nay, người dùng luôn có nhu cầu được tiếp xúc với các sản phẩm mang tính đột phá trên thị trường. Action camera đón đầu được xu thế này và đặc biệt là các dòng có tích hợp với ứng dụng di động và mạng xã hội.
Máy bay không người lái tích hợp camera
Một xu hướng công nghệ thú vị đó là tích hợp camera vào máy bay không người lái. Nếu được tích hợp, các nhiếp ảnh gia sẽ có khả năng chụp ở những góc máy rất khó thực hiện.
Với thiết kế nhỏ gọn và được trang bị camera độ nét cao, các loại máy bay không không người lái có thể chụp ảnh, quay video từ trên không và dưới nước, hỗ trợ nghiên cứu khoa học hoặc giám sát công nghiệp
Ziphius - một loại máy bay dưới nước được điều khiển từ xa, có thể chụp ảnh và quay video dưới nước
Hoặc là thích nghi hoặc là tự đào thải? Rõ ràng các hãng hàng đầu trong công nghệ máy ảnh không thể không đón đầu những xu hướng công nghệ kể trên.
Tập trung mạnh mẽ vào dòng máy không gương lật, tích hợp thêm các tính năng di động, nâng cao độ phân giải, đầu tư mạnh mẽ vào dòng action camera nhỏ gọn và tiện lợi, đồng thời có khả năng tích hợp vào các loại máy bay không người lái để có thể chụp được những góc máy mà con người khó có thể thực hiện. sẽ là những cơ hội tuyệt vời để vực dậy thị trường máy ảnh trong giai đoạn thoái trào. Liệu trong những năm tới, đầu tư cho mình một cái máy ảnh sẽ có phải là quyết định đúng đắn?
Tin bài liên quan:
Những công nghệ camera nào sẽ chiếm lĩnh thị trường máy ảnh năm 2015?